Diện tích lúa đông xuân nhiễm rầy nâu đang có xu hướng tăng

(THTG) Tính tới thời điểm hiện nay, nông dân tỉnh Tiền Giang đã xuống giống được gần 66.000 hecta lúa đông xuân 2017-2018, đạt khoảng 95% kế hoạch. Phần lớn diện tích lúa đang ở giai đoạn đẻ nhanh, nhưng do gặp thời tiết diễn biến bất lợi, nên một số diện tích đã xuất hiện các đối tượng sâu bệnh gây hại lúa, trong đó, diện tích lúa nhiễm rầy nâu đang có xu hướng tăng nhanh.

vlcsnap-2018-01-09-09h23m03s123

Lúa đang ở giai đoạn đẻ nhanh trong vụ đông xuân. Ảnh: Minh Trí

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có hơn 440 hecta lúa bị nhiễm rầy nâu, tăng 386 hecta so với tuần trước. Chủ yếu là rầy trưởng thành và một ít rầy đang nở ở tuổi 1, tuổi 2, mật số từ 100 đến 200 con/m2, xuất hiện rải rác trên trà lúa đẻ nhánh tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy và Thị xã Cai Lậy. Ngoài ra, có gần 580 hecta lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn, tăng 344 hecta so với tuần trước, tỷ lệ bệnh từ 3 đến 5%, xuất hiện rải rác ở các huyện: Cái Bè, Tân Phước, Châu Thành và có khoảng 360 hecta lúa bị sâu cuốn lá nhỏ tấn công, với mật số sâu từ 3 đến 5 con/m2.

vlcsnap-2018-01-09-09h26m03s287

vlcsnap-2018-01-09-09h26m12s707

Sâu bệnh trên lúa. Ảnh: Minh Trí

Để lúa đông xuân phát triển tốt, cho đòng to, bông khỏe, các nhà khoa học khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên, phun thuốc trừ sâu rầy theo nguyên tắc 4 đúng, tuyệt đối không được phối trộn nhiều loại thuốc trừ sâu bệnh khác nhau để phun một lần, sẽ tốn kém chi phí, trong khi hiệu quả phòng trừ sâu bệnh không cao. Riêng lực lượng cán bộ nông nghiệp của tỉnh tăng cường công tác điều tra, phát hiện diễn biến của các loại dịch hại trên lúa để thông báo và hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trị hiệu quả.

Kim Nữ