Điểm sáng trong chính sách an sinh xã hội

Chiều 5-2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020 đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện công tác giảm nghèo năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015. Trong bối cảnh kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn thì công tác xóa đói, giảm nghèo tiếp tục là điểm sáng với những thành tựu đáng ghi nhận…

Các chính sách về giảm nghèo đã được rà soát

Năm 2014, lĩnh vực giảm nghèo và an sinh xã hội vẫn tiếp tục được Đảng, Quốc hội và Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo. Nhiều chính sách đã được sửa đổi, ban hành mới, tạo điều kiện để hộ nghèo tiếp cận tốt hơn nguồn lực đầu tư và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trong năm qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát hệ thống chính sách giảm nghèo hiện hành, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới chính sách giảm nghèo trong thời gian tới. Các bộ đã thực hiện rà soát 153 văn bản, trong đó tập trung vào 6 nhóm chính sách: Giáo dục-đào tạo; tín dụng; y tế; hỗ trợ sinh kế, nhà ở; trợ giúp pháp lý; cơ sở hạ tầng.

Trong tổng số các văn bản được rà soát, nhóm văn bản chính sách trực tiếp đến giảm nghèo là 72 văn bản (chính sách hỗ trợ cho không là 18 văn bản, chính sách cho vay là 25 văn bản); nhóm văn bản chính sách hỗ trợ vùng là 13 văn bản. Kết quả qua rà soát, hiện còn 149 văn bản còn hiệu lực; trong đó số văn bản, chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế là 20 văn bản và 28 văn bản được đề xuất ban hành mới.

Số hộ nghèo giảm nhanh nhưng chưa vững chắc

Năm 2014, Nhà nước đã ưu tiên tập trung nguồn lực cao nhất từ ngân sách cho các huyện nghèo, xã nghèo và người nghèo nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 1,8-2%/năm (từ 7,8% xuống còn 5,8-6%); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 38,2% năm 2013 xuống còn 33,2% năm 2014), theo đúng kế hoạch đã đề ra. Với những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước, góp phần thực hiện an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và nâng cao hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Để có được kết quả giảm nghèo như trên, không thể không kể đến vai trò của các tổ chức chính trị xã hội cũng như sự vào cuộc của hệ thống các tổ chức tín dụng, trong đó có Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Trong giai đoạn 2009-2014, BIDV đã hỗ trợ tài chính trực tiếp thông qua các chương trình an sinh xã hội cho các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao với tổng trị giá khoảng 1.500 tỷ đồng, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: Y tế, giáo dục, xóa nhà tạm cho người nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến đầu tư, tài trợ tín dụng cho doanh nghiệp và người dân ở các huyện nghèo cũng được BIDV mạnh dạn thực hiện. Ước tính trong 5 năm qua, BIDV đã phối hợp tổ chức hơn 10 hội nghị xúc tiến đầu tư cấp vùng và cấp tỉnh, kêu gọi được hàng trăm dự án với số vốn đăng ký đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Riêng năm 2014, BIDV đã triển khai các gói tín dụng bán lẻ với tổng trị giá gần 18.000 tỷ đồng. BIDV được Chính phủ tin tưởng lựa chọn là ngân hàng vận hành dự án tài chính nông thôn do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Qua 10 năm tiếp nhận và triển khai, dự án đã tạo ra tổng mức đầu tư tại khu vực nông thôn lên đến 548 triệu USD, trong đó khoảng 90% là đầu tư trung và dài hạn. Như vậy, ước tính mỗi đồng vốn vay từ WB đã tạo ra 2,62 đồng đầu tư vào nền kinh tế nông thôn. Người dân nghèo nông thôn, đặc biệt là phụ nữ nghèo dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng để có vốn sản xuất, tạo thu nhập ổn định. 51% số người vay cuối cùng của dự án là phụ nữ. Dự án được đánh giá là thành công trong giảm nghèo trên phương diện “Tặng cần câu, chứ không tặng con cá”.

 

Cán bộ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 313 hướng dẫn đồng bào dân tộc xã Xín Mần, huyện Xín Mần, Hà Giang cách trồng cây hành, tỏi cho năng suất cao. Ảnh: Mè Quang Thắng 

Tuy nhiên, qua báo cáo tổng kết và ý kiến của nhiều đại biểu tại hội nghị cho thấy, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo hằng năm còn cao, chênh lệch giàu-nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn hơn 50%, cá biệt có nơi còn 60-70%. Số hộ nghèo là dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước.

Coi giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm

Mục tiêu đặt ra trong năm 2015 là phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước xuống còn dưới 5%, trong đó các huyện nghèo giảm còn dưới 30%. Qua công tác rà soát, có thể thấy các chính sách giảm nghèo tương đối toàn diện, bao trùm mọi mặt đời sống của người nghèo, dân tộc thiểu số nhưng các chính sách vẫn còn chồng chéo, dàn trải, phân tán, khó thực hiện và hiệu quả chưa cao. Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng, cần tích hợp các chính sách để tập trung nguồn lực cao nhất cho mục tiêu. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tìm giải pháp để giảm nghèo nhanh nhưng phải thực sự hiệu quả và bền vững. Muốn “xóa nghèo theo địa chỉ” thì vai trò của cán bộ cấp cơ sở rất quan trọng, phải tìm hiểu được nguyên nhân sâu xa dẫn đến đói nghèo của người dân trên địa bàn mình quản lý, từ đó mới có thể có biện pháp hợp lý để giúp người dân thoát nghèo bền vững, các chính sách giảm nghèo mới có thể phát huy hết hiệu quả.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giảm nghèo năm 2015 đó là chuyển đổi cách tiếp cận đo lường nghèo theo hướng đa chiều. Qua thảo luận với các Bộ, ngành, tham khảo ý kiến với các tổ chức quốc tế, trước mắt dự kiến phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều sẽ được triển khai đo lường qua 5 chiều gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, điều kiện sống và tiếp cận thông tin.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những nỗ lực giảm nghèo của cả nước, góp phần vào thành tựu chung của sự phát triển kinh tế đất nước. Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng số hộ nghèo vẫn giảm đáng kể, nhiều địa phương đã có những cách làm hay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra những yếu kém, hạn chế trong công tác giảm nghèo như: Chính sách chưa đi cùng với cân đối nguồn lực; nguồn lực huy động chưa đáp ứng được nhu cầu; nhiều địa phương còn ỷ lại ngân sách Trung ương… Thủ tướng nhấn mạnh phải tiếp tục rà soát lại các cơ chế, chính sách giảm nghèo để khắc phục chồng chéo, phân tán nguồn lực làm kém hiệu quả; từ cơ chế chính sách để làm tốt nhiệm vụ giảm nghèo. Cả hệ thống chính trị phải ra sức khắc phục những yếu kém. Thủ tướng Chính phủ đề nghị: Trong năm 2015, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương phải tìm mọi cách để thực hiện cho được chỉ tiêu đề ra; nghiêm túc quán triệt nghị quyết của Đảng, Quốc hội và có nhận thức đúng về tầm quan trọng của giảm nghèo. Thủ tướng cho rằng xóa đói, giảm nghèo là xu hướng chung của cả nhân loại. Vì vậy, Nhà nước ta phải coi giảm nghèo là thể hiện tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội, giảm nghèo để phát triển bền vững đất nước. Cả hệ thống chính trị phải coi giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, coi giảm nghèo là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đến nhiệm vụ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện nghèo. Trước mắt, các cấp, ngành cần rà soát lại hệ thống chính sách, trong đó tập trung vào chính sách cho nhóm hỗ trợ sản xuất theo hướng tăng vay, giảm cho. Ngân hàng Chính sách xã hội ở các địa phương phải phát huy vai trò là cầu nối trao “cần câu” cho những hộ nghèo, hộ cận nghèo để người dân vươn lên thoát nghèo, không ỷ lại vào chính sách. Hỗ trợ mạnh hơn cho những doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh vào những huyện nghèo để tạo việc làm tại chỗ cho người dân ở những vùng này, đồng thời phát triển kinh tế địa phương.

Nguồn QĐND