Dịch bệnh trên lúa đông xuân có xu hướng tăng sau tết

        (THTG) Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ngay sau tết Nguyên đán Giáp Ngọ, nông dân tỉnh Tiền Giang ra thăm đồng, chủ động thực hiện các biện pháp quản lý và phòng trừ dịch bệnh trên lúa đông xuân 2013-2014 đang có xu hướng tăng, nhằm bảo vệ năng suất và chất lượng lúa đến khi thu hoạch.

Đến thời điểm này, có gần 70% diện tích lúa đang đẻ nhánh, đứng cái, làm đòng và trổ trên tổng diện tích xuống giống của toàn tỉnh là 78.000 ha. Trong khi đó, vụ mùa này, nông dân tập trung sản xuất trên 63% diện tích các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao nên rất dễ nhiễm sâu bệnh, dịch hại. Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có gần 1.300 ha lúa bị nhiễm rầy nâu, tăng thêm 150 ha so với trước tết, tập trung nhiều ở các huyện: Cái Bè và Cai Lậy. Có 300 ha lúa nhiễm sâu cuốn lá trên trà lúa làm đòng, trổ ở các huyện Tân Phước, Châu Thành và Tp. Mỹ Tho, tăng 50 ha. Đáng ngại nhất là có 1.200 ha lúa bị nhiễm đạo ôn cổ bông và diện tích nhiễm bệnh đang tăng rất nhanh do mấy ngày qua, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL có nhiều sương mù. Ngoài ra trên trà lúa chín ở các huyện phía Tây cũng xuất hiện rải rác bệnh đốm vằn và khô cổ bông.

Tuần tới, lúa Đông Xuân 2013-2014 bước vào giai đoạn làm đòng đến trổ và chín. Do vậy cán bộ kỹ thuật của ngành BVTV đang tiếp tục bám sát đồng rộng, nắm chắc diễn biến của các loại dịch hại trên các trà lúa, kịp thời khuyến cáo nông dân sử dụng các giải pháp quản lý, phòng trừ, đặc biệt là rầy nâu, sâu cuốn lá và khô cổ bông.

Kim Nữ