Địa chí Tiền Giang: Từ buổi đầu khai hoang đến giữa thế kỷ XIX

Phần 3 – Xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi

Con kinh được đào đầu tiên ở Tiền Giang và cũng là đầu tiên ở Nam bộ là kinh Vũng Gù. Trước khi có con kinh này, tại đây đã có rạch Vũng Gù ở về phía Đông Bắc, chảy từ sông Vàm Cỏ Tây đến quán Thị Cai và rạch Mỹ Tho ở về phía Nam, chảy từ chợ Lương Phú (nay thuộc xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo) ra sông Tiền. Khoảng giữa bắc – nam, tức là từ quán Thị Cai đến chợ Lương Phú là ruộng vườn liên tiếp.

Năm Ất Dậu (1705), Chính thống Vân trường hầu Nguyễn Cửu Vân đem quân tiễu trừ quân Cao Miên và quân Xiêm La “phạm biên cảnh” tại giồng Kiến Định. Để tiện việc di chuyển và có nước cho quân đội sử dụng, Nguyễn Cửu Vân cho đào một con mương hào nối liền rạch Vũng Gù và rạch Mỹ Tho.

Con kinh thứ hai là Tranh giang Tân kinh (tức kinh Mới rạch Chanh), do Đô đốc Trấn đào vào năm Ất Tỵ (1785). Nguyên vùng này là vùng sâu trũng, sình lầy, đầy cỏ lác, đưng, bàng và rừng tràm hoang vu, rậm rạp. Quân Đông Sơn, lực lượng phò tá Nguyễn Ánh, do Đỗ Thành Nhơn cầm đầu đã chọn nơi đây làm sào huyệt chống Tây Sơn. Từ đây, họ đi quấy phá khắp nơi, nhất là khu vực Ba Giồng. Đến khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, họ trốn chạy về đây, ẩn trú an toàn. Sau khi đại phá quân Xiêm, Đô đốc Trấn đã cho đào một con kinh nối liền hai đầu rạch Ba Rài và rạch Chanh, gọi là kinh Mới rạch Chanh (Tranh giang Tân kinh). Con kinh đào với mục đích tạo đường giao thông để bao vây đánh dẹp quân Đông Sơn. Vì đào ngang Bàu Bèo nên dân gian quen gọi là kinh Bàu Bèo (sau gọi trại thành Bà Bèo). Kinh Bàu Bèo là con đường đi tắt từ sông Tiền qua sông Vàm Cỏ. Về sau ghe thuyền mua bán qua lại tấp nập nên dân gian gọi là kinh Thương Mãi.

Hai con kinh đầu tiên thông lưu với hệ thống sông rạch có sẵn, tạo nên một mạng lưới giao thông đường thủy tiện lợi cho việc liên lạc trong nội địa; đồng thời nó cũng góp phần thúc đẩy tiến trình khai hoang được nhanh chóng. Tác dụng về nhiều mặt của hai con kinh Vũng Gù và kinh Mới rạch Chanh được phát huy rõ nét trong thế kỷ XIX và về sau.

Giao thông đường bộ bấy giờ còn là thứ yếu, được xây dựng muộn hơn. Các địa phương đầu tiên chỉ có những con đường qua lại từ xóm nầy sang xóm khác hay làng nầy sang làng khác. Đến năm Nhâm Tý (1792), chúa Nguyễn huy động dân binh đắp đường Thiên Lý từ Gia Định qua Thủ Đoàn đến giồng Cai Yến, giồng Tha La, giồng Kỳ Lân, giồng Cai Lữ, giồng Trà Luộc, giồng Cai Lễ…và cuối con đường là giồng Thủ Triệu (Cái Bè). Hệ thống đường bộ, đường thủy thành hình, tiến độ khai phá bắt đầu được đẩy mạnh.

Mời quý độc giả đón xem tiếp địa chí Tiền Giang phần tiếp theo về: “Thành quả khai hoang  kỳ sau.

Nguồn: http://www.tiengiang.gov.vn