Để phụ huynh, thí sinh “chạy đôn, chạy đáo”: Bộ trưởng nhận trách nhiệm

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã nhận trách nhiệm về những vấn đề vướng mắc nảy sinh trong quá trình xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015

Chiều 21/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi làm việc với Bộ GD-ĐT và một số Bộ, ban, ngành về những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác xét tuyển đại học, cao đẳng đang gây bức xúc dư luận trong những ngày qua.

1
Hồi hộp, âu lo, cả nghìn phụ huynh, thí sinh theo dõi bảng điểm tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, đến hết ngày 20/8, đã có gần 570.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Số lượt thí sinh phải thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển trong đợt 1 là gần 43.000 em, chiếm tỷ lệ 8,1%. Trong đó, chỉ có trên 11.000 em đăng ký thay đổi nguyện vọng tại các Sở Giáo dục và Đào tạo, còn trên 31.000 em đến đăng ký trực tiếp tại các trường đại học, cao đẳng. Việc thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển chủ yếu tập trung vào khoảng 30 trường, đều là những trường top trên, hàng năm thu hút nguồn tuyển lớn.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thừa nhận, trong quá trình tổ chức xét tuyển, do nhiều nguyên nhân đã dẫn đến việc phát sinh những vướng mắc, ảnh hưởng tới một bộ phận thí sinh. Nguyên nhân được xác định là do phương pháp thực hiện chưa tốt, cung cấp thông tin cho thí sinh chưa đầy đủ, việc cho thí sinh thay đổi nguyện vọng liên tục, thời gian xét tuyển kéo quá dài, đồng thời do ngưỡng nhận hồ sơ xét tuyển của các trường đồng loạt để quá thấp mà không có sự phân tầng theo chất lượng đào tạo.

“Đây là những lý do khiến hàng nghìn phụ huynh và học sinh phải “chạy đôn, chạy đáo” trong những ngày qua”, Bộ trưởng GD-ĐT nói.

Mặc dù từ ngày 11/8, Bộ đã điều chỉnh, cho phép thí sinh khi thay đổi nguyện vọng thì không cần rút hồ sơ mà chỉ cần gửi phiếu đăng ký nguyện vọng mới, nhưng do thông tin, hướng dẫn, giải thích chưa kịp thời, khiến nhiều thí sinh “đổ xô” rút hồ sơ đã nộp, nhất là trong ngày cuối cùng của đợt 1, gây căng thẳng, bức xúc trong dư luận.

“Nếu làm tốt công tác hướng dẫn, giải thích, thì việc thay đổi nguyện vọng của thí sinh sẽ đơn giản hơn và nhẹ nhàng hơn nhiều”, Bộ trưởng nói.

Để xảy ra tình trạng trên “có phần trách nhiệm lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chưa cân nhắc hết tính phức tạp và hiệu ứng ngược của những giải pháp trong việc thiết kế tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Thay mặt Bộ, tôi xin nhận trách nhiệm về việc này,” ông Luận nói.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết trong đợt xét tuyển thứ hai, các thí sinh chỉ cần đăng ký các nguyện vọng trên phiếu đăng ký xét tuyển lấy từ trên mạng, nộp tại các Sở Giáo dục và Đào tạo, tại các trường THPT tại nơi sinh sống, gửi qua bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại các trường đại học, cao đẳng, không cần rút hồ sơ, phiếu báo điểm đã nộp.

“Chúng tôi bảo đảm rằng thông tin mà các thí sinh gửi qua tất cả các kênh đó sẽ được chuyển chính xác, nhanh chóng tới các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh”, Bộ trưởng cam kết.

Cùng với đó, Bộ sẽ chỉ đạo các trường nhanh chóng công bố kết quả tuyển sinh đợt 1 và các chỉ tiêu còn lại. Các trường cũng sẽ công bố ngay kết quả xét tuyển đợt 2 chứ không đợi tới 20 ngày như trong đợt 1.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những cố gắng của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, tuy nhiên, việc sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học vẫn còn để người dân và thí sinh phải vất vả.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, bám sát tình hình trên tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến chuyên gia, dư luận để có các giải pháp phù hợp, rõ ràng, dễ hiểu và khả thi./.

Tổ Quốc