ĐBSCL: Heo hơi tăng kỷ lục, người nuôi không có để bán

Chiều 18-12, ông Nguyễn Văn Nương, Chủ nhiệm Hội quán Làng bộ Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, liên tục nhiều ngày qua, giá heo hơi tăng chóng mặt. Hiện thương lái tìm mua heo hơi với giá dao động từ 85.000- 90.000 đồng/kg, cao kỷ lục trong nhiều năm qua.

Chiều 18-12, ông Nguyễn Văn Nương, Chủ nhiệm Hội quán Làng bộ Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, liên tục nhiều ngày qua, giá heo hơi tăng chóng mặt. Hiện thương lái tìm mua heo hơi với giá dao động từ 85.000- 90.000 đồng/kg, cao kỷ lục trong nhiều năm qua. Dù giá heo rất cao nhưng rất nhiều hộ ở vùng làm bột – nuôi heo nổi tiếng của TP Sa Đéc không còn heo để bán, riêng những hộ còn heo thì số lượng đàn cũng không bao nhiêu.

“Từ khi xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi đã khiến hàng loạt hộ nuôi thua lỗ, rất nhiều đàn heo bị bệnh và phải tiêu hủy. Đến thời điểm này, người nuôi heo chưa thể tái đàn do bệnh chưa dứt hẳn. Ngoài ra, giá heo giống rất cao từ 35.000 đồng/kg trở lên, số lượng khan hiếm, nên nhiều hộ nuôi cũng không còn vốn để nuôi lại. Do đó, giá heo phi mã trong thời điểm gần Tết Nguyên đán 2020, nhưng người nuôi chỉ biết đứng nhìn trong tiếc nuối”, ông Nương bộc bạch.

ĐBSCL: Heo hơi tăng kỷ lục, người nuôi không có để bán ảnh 1
Giá heo hơi ở ĐBSCL tăng cao kỷ lục, nhiều hộ nuôi không còn heo để bán 

Thống kê đến nay, ở Đồng Tháp có 6.302 hộ chăn nuôi thuộc 139 xã của 12 huyện, thị, thành phố có heo bị bệnh. Tổng số heo bệnh và tiêu hủy là 123.387 con (chiếm khoảng 47,47% tổng đàn heo của tỉnh), tổng khối lượng tiêu hủy hơn 8.032 tấn; từ đó dẫn tới nguồn heo hơi trong tỉnh giảm rất mạnh. Do nhu cầu cao, nhưng nguồn cung khan hiếm nên giá heo hơi liên tục tăng, từ đó một số hộ nuôi trong tỉnh tái đàn tự phát, điều này dẫn đến rủi ro nếu ở những vùng chưa hết hẳn dịch bệnh. Vì vậy, UBND tỉnh đã yêu cầu các huyện kiểm soát chặt tình hình chăn nuôi trên địa bàn. Để kiểm soát chặt việc tái đàn, ngăn chặn, đẩy lùi dịch tả heo châu Phi, giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi… UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các huyện, thị xã, tăng cường tuyên truyền để người nuôi hiểu rõ tác hại của bệnh dịch tả heo châu Phi và tuyệt đối không được tái đàn khi chưa có công bố hết dịch của cấp thẩm quyền.

Cũng trong chiều 18-12, UBND tỉnh An Giang cho biết, nhằm đảm bảo nguồn thịt heo cung cấp cho thị trường tiêu thụ, tỉnh vừa xây dựng mô hình “thí điểm” tái đàn heo trong giai đoạn bệnh dịch tả heo châu Phi chưa có vaccine tiêm phòng. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ từ 20 – 40 hộ nuôi heo thịt thực hiện mô hình tái đàn với số lượng khoảng 400 con heo thịt; nuôi theo phương án an toàn sinh học có kiểm soát chặt chẽ.

Tất cả các hộ tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ 100% chi phí mua vaccine, công tiêm phòng các bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng; hỗ trợ 100% chi phí mua máy sục khí ozon để sát trùng nước uống cho heo, hướng dẫn thực hiện ghi chép sổ sách theo dõi trong quá trình nuôi; hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm mẫu thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi. Thời gian thực hiện mô hình tái đàn heo từ tháng 12-2019 đến tháng 4-2020; tại các huyện Châu Phú, Chợ Mới, Châu Thành, Thoại Sơn, TP Long Xuyên và TP Châu Đốc, với kinh phí hơn 1 tỷ đồng.

Nguồn SGGP