ĐBSCL: Bàn giải pháp liên kết vùng

Ngày 5-11, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Ủy Ban Thường vụ Quốc hội và HĐND tỉnh Bến Tre, tổ chức hội nghị “Trao đổi hoạt động Hội đồng nhân dân các tỉnh thành ĐBSCL về thúc đẩy liên kết vùng”. Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng.

Quang cảnh hội nghị


Lâu nay, ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái. Ngoài ra, ĐBSCL còn có tiềm năng lớn về du lịch, công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến hàng nông thủy sản phục vụ xuất khẩu… Tuy nhiên, ĐBSCL là một vùng trũng về giáo dục, y tế, hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút đầu tư… Đồng thời, đứng trước thách thức của biển đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn mặn nặng nề… Do đó, để phát triển bền vững vùng ĐBSCL thì vấn đề liên kết là quan trọng và cấp bách. Tuy nhiên, việc liên kết vùng đến nay còn nhiều bất cập.

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, nhấn mạnh: “Vai trò của HĐND trong đánh giá, đề xuất, cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết vùng để phát triển nông nghiệp chất lượng cao là vấn đề mới lần đầu được bàn. Theo đó, HĐND từng địa phương cần có cách tiếp cận phù hợp với mục tiêu liên kết vùng, xây dựng và phát triển nông nghiệp chất lượng cao. Các tỉnh, thành trong khu vực phối hợp để rà soát và hoàn thiện phát triển kinh tế của từng địa phương, không để không gian kinh tế ảnh hưởng bởi sự chia cắt của địa giới hành chính. Việc ban hành các Nghị quyết của HĐND cần tính đến các yếu tố phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế vùng. Chỉ rõ các cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia hình thành và phát triển vùng. Phát triển mô hình sản xuất nông trại thay cho kinh tế hộ gia đình. Xây dựng và phát triển nông thôn mới chất lượng cao. Thực hiện triển khai các công trình trọng điểm, công trình giao thông, thủy lợi… có tính liên kết vùng”.

http://www.sggp.org.vn