Đẩy mạnh tuyên truyền phân giới, cắm mốc biên giới Việt Nam – Campuchia

Ngày 12-10, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Phạm Văn Linh và đoàn công tác các cơ quan T.Ư đã làm việc với Tỉnh ủy Đác Nông về công tác tuyên truyền phân giới, cắm mốc tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia.

Đoàn công tác các cơ quan T.Ư làm việc tại Tỉnh ủy Đác Nông.

Theo Ban Chỉ đạo phân giới, cắm mốc tỉnh Đác Nông, trong thời gian qua công tác tuyên truyền phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nội dung, hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, phù hợp với nhận thức của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Trong đó nổi bật là chuyên trang, chuyên mục về “Quốc phòng – An ninh”, “Vì chủ quyền an ninh biên giới”, “Biên giới lãnh thổ” do các cơ quan thông tấn, báo chí T.Ư, địa phương và trang tin của các ban, ngành, lực lượng vũ trang địa phương thực hiện. Từ đó, cán bộ, đảng viên, nhất là đồng bào các dân tộc trên khu vực biên giới hiểu được đường lối, quan điểm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước về chủ quyền lãnh thổ; công tác hoạch định phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới quốc gia; cách nhận biết dấu hiệu đường biên giới, cột mốc; lịch sử hình thành đường biên giới Việt Nam – Campuchia; vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng về đường biên giới quốc gia… nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc bảo vệ đường biên, mốc giới.

Đường biên giới giữa Việt Nam – Campuchia đoạn qua Đác Nông khoảng 130km, trải dài qua bốn huyện Cư Giút, Đác Min, Đác Song và Tuy Đức. Theo kế hoạch sẽ cắm mốc giới tại 13 vị trí với 24 cột mốc. Từ 2007 đến nay, trên toàn tuyến biên giới của tỉnh đã xác định và xây dựng được 8 vị trí với 16 cột mốc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Phạm Văn Linh đánh giá cao công tác tuyên truyền phân giới, cắm mốc Việt Nam – Campuchia của tỉnh Đác Nông thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh, trong thời gian tới Đác Nông cần tiếp tục đổi mới hơn nữa nội dung và hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức chính trị đối với mối quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa hai nước; trong đó, phải tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau theo luật pháp quốc tế trong vấn đề phân giới, cắm mốc.

Bên cạnh đó, Đác Nông cũng cần tuyên truyền, huy động sức mạnh toàn dân trong nhiệm vụ bảo vệ đường biên, cột mốc và bảo đảm an ninh trật tự khu vực biên giới. Tiếp tục xây dựng mối quan hệ giữa hai bên để xử lý tốt các vấn đề xảy ra trên biên giới. Lực lượng Bộ đội Biên phòng cần đẩy mạnh việc học tiếng dân tộc nhằm tạo sự gắn bó mật thiết hơn đối với nhân dân…

Trước đó, đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế công tác tuyên truyền phân giới, cắm mốc tại Đồn Biên phòng Nậm Na, xã Đác Wil, huyện Cư Giút và Đồn Biên phòng Đác Dang, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức.

Nguồn Nhân dân