Dấu ấn Hà Nội với Tổng Thư ký IPU

“Người ta sẽ nhớ đến Hà Nội, vì kỳ họp IPU lần này giải quyết các vấn đề thiết thực đối với nhân loại”.

Tổng Thư ký IPU Martin Chungong

Đó là ấn tượng mà ông Martin Chungong, Tổng Thư ký IPU chia sẻ trong cuộc trao đổi với PV Cổng TTĐT Chính phủ về kỳ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam.

Vai trò nổi bật trên toàn cầu

Ông Martin Chungong cho rằng, về chủ đề của IPU-132 “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”,  thành công lớn nhất của IPU cho đến nay là việc đưa các nghị viện ra trường quốc tế và giúp cho nghị viện phối hợp với các chính phủ trên toàn cầu.

Cách đây vài năm, nhiều người cho rằng hợp tác quốc tế chỉ là sự trao đổi riêng tư của các nhà lãnh đạo, nhưng dần dần, chúng tôi nhận thấy nghị viện đóng một vai trò nổi bật trên toàn cầu với tư cách là thể chế đại diện cho lợi ích người dân.

IPU là một nền tảng để giúp thực hiện sứ mệnh đó, đồng thời đưa ra quyết định hoặc thông báo chính thức về các vấn đề toàn cầu. Tôi nghĩ đó chính là thành tựu lớn nhất mà chúng ta cần nêu rõ.

Tại IPU-132, chương trình nghị sự phát triển sẽ là một trong nhiều khía cạnh mà chúng tôi đề cập đến phúc lợi của người dân.

IPU là một diễn đàn để các nghị viện đánh giá, nhìn nhận lại vấn đề này, sau đó mang những kinh nghiệm quý báu về nước của họ, hiện thực hóa bằng các văn bản luật, nâng cao tính giải trình của chính phủ và cung cấp những nguồn lực cần thiết cho việc triển khai các chính sách liên quan.

Vạch ra tầm nhìn

Chúng tôi tiếp tục lịch sử của IPU, nơi mà các nghị viện gặp gỡ trao đổi với nhau. Chúng tôi thảo luận về các mục tiêu phát triển của thế giới, nghị trình phát triển mới (NDGs).

Chương trình năm nay còn được chú ý về việc các bên sẽ đẩy mạnh chương trình nghị sự các mục tiêu phát triển mới, trong đó nhấn mạnh người dân ở vị trí trung tâm.

Những thỏa thuận hay nghị quyết được thông qua tại IPU-132, có sự cam kết của các nước trong việc triển khai ở mức độ quốc gia và họ phải báo cáo lại các tổ chức quốc tế rằng họ đã thực hiện đến đâu.

Các thỏa thuận này vạch ra tầm nhìn cho cộng đồng nghị viện thế giới về tiến trình phát triển toàn cầu. Vì vậy, chúng tôi luôn khuyến khích các nghị viện xem xét kỹ các nghị quyết, áp dụng chúng tại các quốc gia của họ với chính phủ và đối với người dân.

Sẽ nhớ đến Hà Nội

Đánh giá về sự tham gia của Việt Nam tại IPU, Tổng Thư ký IPU cho rằng, Việt Nam đã tham gia rất chủ động.

Việt Nam tham gia vào IPU cách đây 35 năm, tham gia một cách thường xuyên và tham gia vào ban điều hành của IPU.

Khi Việt Nam đăng cai tổ chức kỳ họp IPU-132, tôi đến đây từ tháng 12/2014, khi đó tôi đã thấy Việt Nam đã rất sẵn sàng cho kỳ họp này. Nhiều việc đã được hoàn thành để chuẩn bị cho kỳ họp. Sự chuẩn bị rất chi tiết để đảm bảo mọi việc diễn ra suôn sẻ, về hậu cần, cơ sở vật chất.

Nhưng, điều ấn tượng nhất đối với tôi là sự “thiết kế” chương trình nghị sự của Việt Nam đóng góp cho kết quả của kỳ họp. Tôi đánh giá cao nỗ lực này của Việt Nam.

Tôi có cơ hội được tìm hiểu sự phát triển của Việt Nam từ năm 1994, đó là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Khi quan sát sự phát triển ở đây, tôi đoán chắc rằng Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa…

Nếu lấy ví dụ là Quốc hội chẳng hạn, thì Quốc hội Việt Nam không chỉ là sự cải thiện về cơ cấu, mà còn là sự nâng cao cách thức hoạt động, hệ thống của ủy ban (tham khảo ý kiến người dân trước khi đưa ra các quyết định). Qua đó, Quốc hội Việt Nam ngày càng đáp ứng tốt hơn nguyện vọng và lợi ích của người dân.

Ở góc độ đời sống, tôi thấy người Việt Nam rất nồng hậu, thân thiện. Tôi và vợ tôi đều đồng tình rằng Việt Nam là một quốc gia an toàn, yên bình, nơi có thể đi lại trên đường mà không phải lo ngại. Điều đó thật tuyệt đối với tôi.

Người ta sẽ nhớ đến Hà Nội, vì kỳ họp tại Hà Nội giải quyết các vấn đề vốn thiết thực đối với nhân loại.

IPU là một diễn đàn, cơ chế quý báu đối với các quốc gia như Việt Nam. Bởi lẽ, như tôi đã nói, nghị viện đang ngày càng có vai trò quan trọng trên trường quốc tế. Chúng tôi nhận thấy rằng, một số nghị viện không có khả năng, kỹ năng hoạt động một cách hiệu quả và IPU cung cấp sự hỗ trợ về lĩnh vực này thông qua việc đưa ra những đề xuất cho chức năng của nghị viện.

Việt Nam sẽ được lợi từ việc này, đồng thời chúng tôi cũng hỗ trợ cho nhiều nước khác nữa như ở châu Phi.

Nguồn Chính phủ