Đạt thỏa thuận hàng hải quan trọng

Thỏa thuận mới hướng dẫn việc đi lại và liên lạc khi tàu và máy bay các nước “chạm mặt” tại những vùng biển quanh Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á

Các nước có lợi ích ở Tây Thái Bình Dương – trong đó có Mỹ, Trung Quốc,  Nhật Bản, Philippines, Malaysia… – nhất trí thông qua một thỏa thuận khung về giao tiếp hàng hải hôm 22-4. Đây là bước đi nhằm ngăn chặn xung đột trên biển trong trường hợp tàu hải quân các nước thiếu giao tiếp.

Thỏa thuận trên đạt được tại hội nghị thường niên Diễn đàn Hải quân Tây Thái Bình Dương khai mạc tại TP Thanh Đảo – Trung Quốc hôm 22-4 với sự tham gia của đại diện 21 nước thành viên, 3 nước quan sát viên và Pakistan – nước đang nộp đơn làm quan sát viên.

Theo Reuters, văn kiện này về bản chất là một sổ tay hướng dẫn đi lại và liên lạc khi tàu hải quân và máy bay của các nước ký thỏa thuận bất ngờ “chạm mặt” tại những vùng biển bao quanh Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á. Hải quân các nước được yêu cầu bắn pháo sáng màu xanh, vàng và đỏ trong những tình huống khác nhau, đồng thời sử dụng một loạt thuật ngữ bằng tiếng Anh để liên lạc với nhau.

Các đại biểu tham dự hội nghị thường niên Diễn đàn Hải quân Tây Thái Bình Dương hôm 22-4Ảnh: Tân Hoa Xã

Các đại biểu tham dự hội nghị thường niên Diễn đàn Hải quân Tây Thái Bình Dương hôm 22-4 Ảnh: Tân Hoa Xã

 Dự thảo văn kiện viết: “Tài liệu này không mang tính ràng buộc pháp lý. Thay vào đó, nó là phương thức liên lạc nhằm tối đa hóa an ninh trên biển”. Bản cuối cùng của thỏa thuận chưa được công bố nhưng một quan chức hải quân cho hay các nước đã nhất trí về ngôn từ trong dự thảo mới nhất.

Thỏa thuận trên đạt được giữa lúc có nguy cơ các cuộc đối đầu trên biển có thể bùng phát thành xung đột nếu không được xử lý khéo léo. Tháng 12-2013, một tàu chiến Mỹ phải chuyển hướng khẩn cấp để tránh tàu chiến Trung Quốc lao tới trên biển Đông.

Hiện chưa rõ thỏa thuận này có giúp giải quyết những bất đồng quanh hoạt động quân sự trên biển hay không. Chẳng hạn như Trung Quốc lâu nay phản đối Mỹ giám sát gần bờ biển của mình nhưng Washington nhấn mạnh họ hoạt động trong vùng biển quốc tế.

Phát biểu bên lề diễn đàn, ông Từ Hồng Mãnh – Phó Đô đốc Hải quân Trung Quốc – nhận định thỏa thuận sẽ ảnh hưởng tích cực đến cách ứng xử trên biển nhưng không tác động đến việc ứng xử tại các khu vực tranh chấp ở biển Hoa Đông và biển Đông. Giới chức hải quân Mỹ cũng cho biết thỏa thuận trên không nhằm giải quyết trực tiếp tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và một số láng giềng.

Trung Quốc và ASEAN đang đàm phán bộ quy tắc ứng xử để giảm căng thẳng trên biển Đông. Theo các nhà ngoại giao, bộ quy tắc này không chỉ đề cập cải thiện liên lạc mà còn tìm cách chấm dứt tập trận quân sự tại các vùng biển tranh chấp và hạn chế xây dựng trên các đảo và bãi đá không người ở.

Nguồn NLĐ