Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho và Gò Công từ năm 1930 đến Cách mạng Tháng Tám

Ngày 1/5/1930, cuộc bãi thị của 7 chợ ở quận Châu Thành đồng loạt nổ ra, chống thuế chợ đặt ra quá nặng, buộc bọn thầu các chợ phải giảm tiền thuế chợ. Cùng ngày, nhân dân các xã Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung, Nhị Mỹ, Tân Hội, Tân Bình thuộc quận Cai Lậy cũng sôi nổi tham gia các cuộc mít tinh, biểu tình do các chi bộ Đảng tổ chức và lãnh đạo. Trong các cuộc đấu tranh này, có cuộc đấu tranh ở nhà việc xã Mỹ Hạnh Trung, quần chúng treo cờ đỏ búa liềm và trương tấm băng với khẩu hiệu: “Hoan nghênh Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời!”.

KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ CỦA ĐẢNG BỘ

Từ khi Đảng bộ ra đời, phong trào đấu tranh của nhân dân tỉnh Mỹ Tho và Gò Công nổ ra liên tiếp, tạo thành một cao trào cách mạng của quần chúng. Các cuộc đấu tranh đều có tổ chức, lãnh đạo và có chuẩn bị trước.

Khẩu hiệu đấu tranh có sự kết hợp đòi dân sinh, dân chủ với quyền lợi chính trị. Hình thức đấu tranh phong phú: Mít tinh, biểu tình, bãi thị, bãi khóa, rải truyền đơn, treo băng cờ, đánh trống, mõ… Tuy nhiên, ở một số địa phương, các cuộc đấu tranh của quần chúng có khuynh hướng manh động và được Đảng bộ kịp thời khắc phục, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ.

 
Căn nhà của Liệt sĩ Trần Văn Hoài – Hội trưởng Hội Phụ lão cứu quốc
năm 1945 – 1947 tại ấp Tân Phú Long, xã Tân Thuận Bình, quận
Chợ Gạo (nay là khu II, thị trấn Chợ Gạo), nơi diễn ra Hội nghị
thành lập Xứ ủy Nam kỳ trong những ngày từ 13 đến 15/10/1943
(Ảnh chụp sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975).

Mở đầu cao trào cách mạng ở tỉnh Mỹ Tho và Gò Công là việc hưởng ứng phong trào vận động Đông Dương Đại hội. Hàng chục Ủy ban vận động được thành lập từ tỉnh xuống tận cơ sở, nhằm vận động nhân dân ký kiến nghị, tập hợp yêu sách, đòi quyền tự do dân sinh, dân chủ, cải thiện đời sống… Qua đó, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đi theo Đảng.

Phong trào cách mạng trong giai đoạn từ năm 1936 đến 1939 đã tập hợp rộng rãi công nhân, nông dân, các tầng lớp nhân dân lao động, thu hút địa chủ nhỏ và tư sản dân tộc tham gia. Phong trào cách mạng của nhân dân chĩa mũi nhọn vào bọn thực dân và bọn tay sai phản động, chống phát xít, chống chiến tranh, đòi quyền dân sinh, dân chủ. Qua đấu tranh, uy thế chính trị, trình độ giác ngộ về sức mạnh đoàn kết của nhân dân được nâng lên; uy tín, ảnh hưởng của Đảng ngày càng lan rộng.

Cuộc khởi nghĩa năm 1940 ở Mỹ Tho là một cuộc nổi dậy đồng loạt, mạnh mẽ và giành quyền làm chủ một vùng nông thôn rộng lớn, chính quyền cách mạng được thành lập. Cuộc khởi nghĩa tuy chưa thành công nhưng làm lung lay nền thống trị mà thực dân Pháp áp đặt gần 80 năm; đồng thời thức tỉnh tinh thần yêu nước, động viên mọi người tham gia đấu tranh, tiến lên làm chủ vận mệnh của mình, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Đêm 22 rạng ngày 23/11/1940, cờ đỏ sao vàng được treo trên ngọn cây bàng tại đình Long Hưng, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho. Cuộc khởi nghĩa diễn ra tại 70/123 xã của tỉnh Mỹ Tho. Chính nơi đây ra đời và thực thi thể chế dân chủ cộng hòa, nơi cờ đỏ sao vàng xuất hiện lần đầu tiên ở nước ta, nơi lực lượng vũ trang thành lập sớm (ngày 12/8/1940).

Khi khởi nghĩa diễn ra, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho chuyển sang thực thi chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cách mạng, trụ sở đặt tại đình Long Hưng, xã Long Hưng, quận Châu Thành. Trước cổng đình Long Hưng có treo Quốc hiệu: “Việt Nam Dân chủ cộng hòa quốc”.

ĐẾN CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945

Ngày 17/8/1945, Tỉnh ủy Mỹ Tho triệu tập hội nghị khẩn cấp bàn việc khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị nhất trí nhận định thời cơ cách mạng đã chín muồi và quyết định phát lệnh khởi nghĩa với phương châm: Nơi nào có lực lượng ta mạnh, địch yếu thì khởi nghĩa trước; nơi nào lực lượng ta còn yếu thì khởi nghĩa sau và quyết giành cho được chính quyền về tay nhân dân.

Tỉnh ủy Mỹ Tho quyết định chọn thị xã Mỹ Tho là nơi khởi nghĩa trước để lấy đà và tạo điều kiện thuận lợi cho các quận khởi nghĩa. Tỉnh ủy chỉ đạo khởi nghĩa ở Mỹ Tho, lấy lực lượng của Trường Quân sự tỉnh ở cầu Bến Chùa, xã Long An làm chủ công.

Nhiệm vụ của lực lượng này là phối hợp với lực lượng nội ô đánh chiếm các cơ sở trọng yếu trong thị xã. 4 giờ sáng ngày 18/8/1945, lực lượng chủ công tiến vào thị xã Mỹ Tho. Đến Boulevard Bourdais (nay là đường Hùng Vương) thì tách làm 2 cánh.

Một cánh do đồng chí Phan Lương Trực chỉ huy, tiến chiếm trại lính người Việt. Một cánh do đồng chí Hàng Nhật Nguyên chỉ huy, tiến chiếm sở mật thám và sở cảnh sát. Các cánh quân đều được sự tiếp ứng của lực lượng tại chỗ và sự hướng dẫn của lực lượng nội ứng đã nhanh chóng chiếm các mục tiêu.

Trưa ngày 18/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Mỹ Tho đã hoàn thành. Sau đó, Tỉnh ủy Mỹ Tho tiến hành thành lập Ủy ban nhân dân tỉnh và chuẩn bị tổ chức cuộc mít tinh chào mừng cách mạng thành công. 14 giờ ngày 22/8/1945, Tỉnh trưởng Trần Hưng Ký mời đồng chí Nguyễn Văn Côn và ông Lê Văn Philíp tới dinh tỉnh trưởng để giao lại chính quyền.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở tỉnh Mỹ Tho và Gò Công thành công nhanh chóng là do toàn dân đoàn kết, đồng lòng vùng dậy khởi nghĩa giành lại chính quyền về tay nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Qua cuộc khởi nghĩa, trong hàng ngũ cách mạng không chỉ có công nhân, nông dân mà có cả địa chủ, tư sản, trí thức, các vị chức sắc của các tôn giáo, nhân dân từ thành thị đến nông thôn đều tích cực tham gia khởi nghĩa.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho và Gò Công thi hành các chủ trương của Đảng, thành lập và ra mắt chính quyền cách mạng, trấn áp bọn phản động, thực thi các chính sách về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội. Chính vì vậy, cuộc Cách mạng Tháng Tám ở  tỉnh Mỹ Tho và Gò Công là cuộc cách mạng thành công và triệt để.

Nguồn tiengiang.gov.vn