Phần Lan ký tài trợ dự án ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long

(THTG) Chiều ngày 02-7, tại Khách sạn Cửu Long, Tp. Mỹ Tho, Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam thông qua Trung tâm Môi trường và Phát triển Nguồn lực Cộng đồng (viết tắt là CECAD) đã tổ chức lễ ký thoả thuận tài trợ dự án “Tăng cường năng lực truyền thông, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long” với 5 tỉnh gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang và Cà Mau. Tham dự lễ ký kết có ông Kari Kahiluoto – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Phần Lan tại Việt Nam và đại diện UBND các tỉnh thuộc dự án.

vlcsnap-2020-07-03-11h04m41s888

vlcsnap-2020-07-03-11h05m23s423

Quang cảnh lễ ký thoả thuận tài trợ dự án “Tăng cường năng lực truyền thông, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long”. Ảnh: Minh Trí

Trong những năm gần đây, người dân sống ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn, do biến đổi khí hậu. Do đó, dự án nhằm cải thiện năng lực truyền thông của các cơ quan liên quan và nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương, về xâm nhập mặn trong khu vực, thông qua việc tích cực tham gia các hoạt động, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo đó, các hoạt động của mô hình ứng phó với xâm nhập mặn sẽ được triển khai thí điểm tại tỉnh Tiền Giang, một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất, thông qua việc phát triển hệ thống quan trắc xâm nhập mặn và tăng cường mạng lưới cảnh báo, dự báo sớm phục vụ cho việc quản lý thông tin; cũng như hỗ trợ cộng đồng địa phương trong việc chủ động thu gom và lưu trữ nước cho các hoạt động sinh hoạt và sản xuất, từ đó giúp đảm bảo an ninh nguồn nước cho khu vực.

vlcsnap-2020-07-03-11h06m04s855

vlcsnap-2020-07-03-11h06m44s301

Các đại biểu ký thỏa thuận tại buổi lễ. Ảnh: Minh Trí

Các nhóm đối tượng của dự án hướng tới gồm: các cộng đồng dân cư địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa tại các khu có mật độ dân số cao, những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt phục vụ cho các hoạt động sinh hoạt và sản xuất.

Trên cơ sở các hoạt động của dự án hướng tới, đại diện Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam và đại diện các tỉnh thực hiện dự án đã tiến hành thủ tục ký thoả thuận tài trợ thực hiện dự án.

Lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang tiếp Đại sứ Phần Lan

Sau lễ ký kết, ông Phạm Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã tiếp ông Kari Kahiluoto – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Phần Lan tại Việt Nam đã đến chào xã giao, nhân dịp ông đến Tiền Giang ký kết thỏa thuận dự án “Truyền thông nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long.

vlcsnap-2020-07-03-11h10m21s765

vlcsnap-2020-07-03-11h10m32s006

Ông Phạm Anh Tuấn – Phó chủ tịch UBND tỉnh tiếp ông Ông Kari Kahiluoto – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Phần Lan tại Việt Nam. Ảnh: Minh Trí

Ông Kari Kahiluoto – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Phần Lan tại Việt Nam đã thông tin về dự án vừa ký kết và mong muốn tỉnh Tiền Giang hỗ trợ các đơn vị có liên quan thực hiện hiệu quả dự án.

Ông Phạm Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã thông tin về tình hình tỉnh Tiền Giang bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu như: hạn hán và xâm nhập mặn và thiếu tài nguyên nước…. đồng thời đánh giá cao dự án “truyền thông nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long” được triển khai thực hiện tại 05 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Về phía tỉnh Tiền Giang, cam kết thực hiện hiệu quả dự án và tiếp tục truyền thông cho mọi người dân về mục đích, ý nghĩa, cũng như hiệu quả của dự án, đồng thời mong muốn với kinh nghiệm của mình, Phần Lan sẽ tiếp tục hỗ trợ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng về việc ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Thu Thủy