Đại biểu Quốc hội đề nghị phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Tòa án nhân dân cấp khu vực
(THTG)Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, sáng nay, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Các đại biểu cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo luật, đồng thời phân tích, đánh giá làm sâu sắc thêm nhiều khía cạnh và đóng góp nhiều ý kiến cụ thể để tiếp tục hoàn thành Dự Luật. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí đại diện cơ quan trình, báo cáo tiếp thu, giải trình cụ thể, làm rõ một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu.
Đa số đại biểu tán thành với việc tổ chức hệ thống Tòa án theo mô hình ba cấp
Cho ý kiến về mô hình Tổ chức Tòa án nhân dân, đa số đại biểu tán thành với việc tổ chức hệ thống Tòa án theo mô hình ba cấp: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp khu vực.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa cho Tòa án nhân dân cấp khu vực. Ông Lê Thanh Hoàn – Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội nêu: “Nếu chúng ta muốn thực hiện một cái cuộc cải cách liên quan đến tổ chức bộ máy một cách triệt để thì tôi đề nghị phải phân quyền cho Tòa án nhân dân cấp khu vực được xét xử tất cả các vụ án hình sự”.
Về vấn đề này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí giải trình rằng việc phân cấp, phân quyền cần có lộ trình phù hợp, không thể thực hiện triệt để ngay lập tức do các yếu tố như năng lực đội ngũ cán bộ và sự đồng bộ với các cơ quan tư pháp khác. Ông Lê Minh Trí nói: “Bây giờ nếu mà đúng ra thì nếu mà được sơ thẩm hết cho một cấp phúc thẩm một cách thì giám đốc thẩm, tái thẩm là cái thủ tục, thẩm quyền đặc biệt của yếu tố cao rồi thì cái đó thì không phải nói là nó làm được, thế thì quá tốt nhưng bởi vì cái quá độ hiện nay thì chúng ta phải vừa đồng bộ với các cơ quan tố tụng khác. Cái thứ hai nữa cũng phù hợp với cái năng lực của cán bộ hiện nay.”
Một số đại biểu đề nghị giao thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh thay vì tập trung tại Tòa án nhân dân tối cao.
Tuy nhiên, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí bảo vệ quan điểm tập trung thẩm quyền này tại Tòa án nhân dân tối cao nhằm đảm bảo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật.
Liên quan đến việc thành lập Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm Tài chính quốc tế, ý kiến đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết thành lập Tòa án chuyên biệt thuộc Trung tâm Tài chính Quốc tế, phù hợp với chủ trương của Đảng và Chính phủ. Nội dung này được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí cam kết sẽ nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập Tòa án chuyên biệt này và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Vấn đề sửa đổi Khoản 3, Điều 7 của Luật Trọng tài thương mại, giao thẩm quyền xem xét quyết định của trọng tài thương mại cho Tòa án nhân dân cấp cơ sở (Tòa án nhân dân khu vực theo dự thảo mới) cũng nhận được nhiều ý kiến. Ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho rằng: “Một, chúng ta giữ nguyên cái thẩm quyền này và tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cái thứ hai là nếu như thực sự chưa rõ vấn đề chưa rõ sự cấp thiết thì chúng ta nên đặt lại vấn đề này khi chúng ta sửa Luật trọng tài thương mại”.
Giải trình vấn đề này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho rằng việc giao thẩm quyền này cho Tòa án cấp khu vực nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền. Tuy nhiên, ông cũng ghi nhận cần cân nhắc kỹ lưỡng do tính chất phức tạp của các vụ việc này và cho biết Tòa án nhân dân tối cao có định hướng sẽ đề nghị thành lập ba tòa chuyên trách về vấn đề này tại ba thành phố lớn.
Ngoài ra, các đại biểu còn đóng góp ý kiến về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với Tòa án nhân dân khu vực; tiêu chí thành lập và số lượng Tòa chuyên trách sở hữu trí tuệ, phá sản; thẩm quyền kiến nghị của Chánh án Tòa án nhân dân khu vực; thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án quân sự; và việc thành lập Tòa lao động tại Tòa án khu vực.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định đề nghị Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến để chỉnh lý dự thảo Luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp.
Minh Trí
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.