Đại biểu HĐND tỉnh Tiền Giang chất vấn nhiều vấn đề được cử tri quan tâm
(THTG) Ngày 10-12, kỳ họp thứ 14, Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang khóa IX bước sang ngày làm việc thứ 3, với phần giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh. Chủ trì phiên chất vấn và trả lời chất vấn có ông Nguyễn Văn Danh – Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Nguyễn Thị Sáng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và ông Phạm Văn Bảy – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban kinh tế – ngân sách HĐND tỉnh Tiền Giang.
Theo đó, tại kỳ họp lần thứ 14, Thường trực HĐND tỉnh đã báo tổng hợp ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh đối với các báo của UBND tỉnh; nhóm tờ trình kèm dự thảo nghị quyết và nhóm báo cáo của Thường trực HĐND, các ban của HĐND.
Quang cảnh ngày làm việc thứ 3 kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Tiền Giang khóa IX. Ảnh: Phan Quyền
Đối với phiên giải trình của thủ trưởng các sở, ngành và chất vấn của đại biểu tập trung vào các vấn đề, thuộc các lĩnh vực: Nông nghiệp, tài nguyên môi trường, an ninh trật tự… Ông Nguyễn Văn Mẫn – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang giải trình về định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thời gian tới, nhất là đối với địa bàn các huyện phía Tây, cho biết sẽ chuyển đổi gần 5.000 hecta đất lúa sang trồng cây ăn trái tập trung, tại khu vực giữa Bắc Quốc lộ 1 và phía Nam đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Riêng khu vực phía Bắc đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận chỉ chuyển đổi trong các khu vực có ô đê bao kiên cố, chống lũ triệt để. Ngoài ra, sẽ chuyển đổi khoảng 700 hecta đất lúa sang chuyên canh cây rau, tại các khu vực có truyền thống canh tác rau, chủ yếu tập trung tại huyện Châu Thành và chuyển đổi khoảng 1.300 hecta đất lúa, sang luân canh lúa – rau tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy. Chuyển đổi khoảng 700 hecta đất lúa sang nuôi chuyên canh thủy sản, tập trung tại thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy.
Đại biểu chất vấn những vấn đề tập trung vào các lĩnh vực như: nông nghiệp, an ninh trật tự, tài nguyên môi trường… Ảnh: Phan Quyền
Đối với giải pháp phòng, chống hạn mặn, trong thời gian tới tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp hoàn thiện các công trình thủy lợi, hệ thống giao thông; hệ thống điện phù hợp với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo định hướng phát triển của ngành nông nghiệp và của UBND tỉnh Tiền Giang.
Ông Nguyễn Văn Mẫn – Giám đốc Sở NN&PTNN giải trình về định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Ảnh: Phan Quyền
Giải trình về nguyên nhân tội phạm về trật tự xã hội tăng và giải pháp kéo giảm tội phạm, cũng như các hành vi vi phạm pháp luật thời gian tới, Đại tá Nguyễn Văn Nhựt – Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện một số địa phương báo cáo không trung thực; Ban Giám đốc Công an tỉnh đã xử lý kỷ luật 04 cán bộ; thực hiện chủ trương bố trí Công an xã chính quy, lực lượng Công an xã đã ghi nhận đầy đủ và xử lý ban đầu nhiều tin báo tố giác về tội phạm, nên số liệu tội phạm được ghi nhận tăng. Bên cạnh đó, còn có trường hợp Công an xã chưa nhận thức đầy đủ về vụ, việc nên báo cáo cơ quan Cảnh sát điều tra cấp huyện xử lý, không kiểm tra, xác minh ban đầu một cách đầy đủ. Về giải pháp thực hiện thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện, nghiêm túc, đầy đủ các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tội phạm.
Đại tá Nguyễn Văn Nhựt – Giám đốc Công an tỉnh giải trình về những nguyên nhân tội phạm về trật tự xã hội tăng và giải pháp trong thời gian tới. Ảnh: Phan Quyền
Ngoài ra, tại phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn, thủ trưởng các sở, ngành tỉnh Tiền giang đã giải trình nguyên nhân vì sao dừng việc thực hiện tách thửa đối với các loại đất đã phù hợp theo Quyết định số 08 ngày 04/5/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh; nguyên nhân thay đổi phương thức thu tiền điện, giải pháp khắc phục đối với các hộ có điều kiện khó khăn và lộ trình thực hiện để đảm bảo sự đồng thuận của người dân…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời chất vấn đại biểu về giáo dục mầm non
Một trong những nội dung đáng chú ý trong phần giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND lần thứ 14 đó là nội dung trả lời của ông Trần Văn Dũng – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trong lĩnh vực giáo dục mầm non. Theo đó, Ban Văn hóa – Xã hội (HĐND tỉnh) đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang cho biết nguyên nhân vì sao đến nay vẫn chưa trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết hỗ trợ thu hút giáo viên mầm non, thời gian nào trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết này. Đặc biệt đại biểu Đoàn Thị Thanh Khỏi đã chất vấn về công tác bố trí giáo viên mầm non ở vùng sâu, vùng xa và giải pháp nào để thu hút giáo viên mầm non về công tác ở vùng sâu.
Ông Trần Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh tỉnh trả lời chất vấn đại biểu về giáo dục mầm non. Ảnh: Phan Quyền
Trả lời vấn đề này, ông Trần Văn Dũng – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong thời gian qua, giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh luôn ổn định và phát triển; 172 xã, phường, thị trấn đều có trường hoặc điểm trường mầm non (đạt tỉ lệ 100%). Toàn tỉnh có 186 trường mầm non, trong đó có 170 trường mầm non công lập, 16 trường mầm non ngoài công lập. Theo thông tư liên tịch giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ, cũng như thực tế cho phép, thì tỉnh Tiền Giang còn thiếu 468 giáo viên mầm non. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ bổ sung biên chế sự nghiệp cho tỉnh Tiền Giang, với gần 1.400 biên chế, trong đó riêng bậc học mầm non là 829 biên chế. Sau đó được Bộ Nội vụ đã phản hồi, tạm thời chưa giao bổ sung cho tỉnh và bộ đang tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Riêng đối với việc thu hút giáo viên mầm non về công tác ở vùng sâu, vùng xa, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách đối với giáo viên mầm non, nhằm thu hút giáo viên mầm non về tỉnh công tác và đang trong quá trình hoàn thiện. Bên cạnh đó, thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tích cực nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh các giải pháp tuyển dụng, thu hút giáo viên mầm non, đặc biệt là giáo viên mầm non công tác tại vùng sâu, vùng xa, những địa phương còn nhiều khó khăn như: liên kết đào tạo, đồng thời tăng cường công tác tuyển dụng giáo viên mầm non hàng năm…
Mạnh Cường
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.