Đã tiêm vaccine hay thuốc vào người chắc chắn có phản ứng

Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ, tất cả các loại vaccine, kể cả thuốc điều trị đã tiêm vào người thì chắc chắn có tỷ lệ phản ứng từ nhẹ cho đến nặng nhưng chúng ta cần đưa trẻ đi tiêm chủng vì tỷ lệ tai biến rất hạn chế.

Tiêm vaccine cho trẻ nhỏ tại Trạm Y tế Phú Nghĩa

Tiêm vaccine cho trẻ nhỏ tại Trạm Y tế Phú Nghĩa

Ngày 9-1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác Bộ Y tế đã kiểm tra thực tế công tác tiêm chủng vaccine tại Trạm y tế xã Phú Nghĩa và xã Ngọc Hoà, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện trên địa bàn huyện Chương Mỹ có gần 1.000 trẻ đã được tiêm vaccine ComBE Five với 16% trẻ phản ứng sau tiêm, trong đó có 4 trẻ sốt cao song các trẻ đã được điều trị kịp thời, sức khoẻ đã ổn định. Còn toàn TP Hà Nội đến hết ngày 8-1, có 50% xã, phường của 15/30 quận, huyện triển khai tiêm vaccine ComBe Five cho hơn 5.800 trẻ, trong đó ghi nhận 180 trường hợp trẻ có phản ứng thông thường (sốt, sưng đau tại chỗ tiêm…) và đều trong phạm vi khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế.

Trước một số trường hợp bị phản ứng sau tiêm vaccine ComBe Five, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ, tất cả các loại vaccine, kể cả thuốc điều trị đã tiêm vào người thì chắc chắn có tỷ lệ phản ứng từ nhẹ cho đến nặng. Từ phản ứng tại chỗ như: sốt, quấy khóc, bỏ ăn, cho đến khóc thét, rối loạn trị giác, tím tái… nhưng chúng ta cần đưa trẻ đi tiêm chủng vì tỷ lệ tai biến rất hạn chế.

Đồng thời khẳng định, nhất là trong mùa đông hiện nay, ngành Y tế đang cố gắng hết sức để tỷ lệ các cháu được tiêm chủng đạt cao nhất, nhằm tránh nguy cơ mắc bệnh sởi, ho gà…

Đã tiêm vaccine hay thuốc vào người chắc chắn có phản ứng ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Y tế và đoàn công tác kiểm tra công tác tiêm chủng ở huyện Chương Mỹ

Bộ trưởng cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông về tiêm chủng để phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng đúng độ tuổi, đúng thời hạn để phòng chống dịch bệnh cho trẻ và tránh được những nguy cơ cho sức khỏe.

“Phụ huynh cần theo dõi trẻ sau tiêm để khi phát hiện có dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức để được theo dõi và xử trí kịp thời”- Bộ trưởng Y tế khuyến cáo.

Đối với cán bộ y tế, ngay trong tuần tới cần tập huấn lại về quy trình tiêm chủng, trong đó lưu ý khâu khám sàng lọc, hỏi tiền sử bệnh của trẻ khi sinh ra, trong gia đình có ai bị dị ứng không, cơ địa mẫn cảm không để làm sao quản lý trẻ tốt nhất trước tiêm chủng. Đồng thời lưu ý tập huấn kỹ lại về quy trình chống sốc cho cán bộ y tế để kịp thời xử trí nếu có tình huống xảy ra.

Nguồn SGGP