Đa dạng phim truyền hình tết

Còn gần hai tháng nữa mới đến tết, nhưng không khí làm phim tết đang khá sôi động ở các hãng phim truyền hình.

Bộ phim Người hoàn hảo đánh dấu sự trở lại phim tết của Hãng phim TFS sau ba năm vắng bóng - Ảnh: TFS

Khởi động sớm nhất có lẽ là bộ phim truyền hình dài bảy tập Người hoàn hảo vừa bấm máy vào cuối tháng 11…

TFS trở lại

Người hoàn hảo được xem là bộ phim duy nhất của Hãng Phim truyền hình TP.HCM (TFS) tham gia thị trường phim tết sau ba năm vắng bóng. Bộ phim này hi vọng sẽ là một bộ phim đáng xem bởi đã được đóng mộc “chất lượng” mang tên TFS qua những phim dành cho ngày tết như U6&U7, Ba chàng trai tuổi Hợi…

Nguyên nhân của sự gián đoạn phim tết trong thời gian qua, theo ông Việt Hùng - giám đốc TFS: “Một thời gian dài thời lượng phát sóng phim của TFS bị cắt giảm, vì thế phim ngắn tập rất khó chen chân vào. Năm nay lượng giờ phát sóng phim của chúng tôi đã tăng lên đáng kể. Mặt khác, việc đặt viết kịch bản phim ngắn tập cũng khó khăn hơn trước nhiều vì xu hướng chung bây giờ tác giả thích viết kịch bản dài tập”.

Năm nay số lượng phim sản xuất dành cho ngày tết của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình VN (VFC) cũng giảm đáng kể, chỉ có hai phim là Một tuần làm dâu (đạo diễn Mai Hồng Phong, 7 tập) và Đếm ngược đến 30 (6 tập, đạo diễn Trịnh Lê Phong). Trong khi tết năm 2010, VFC trình làng tới sáu phim.

Ông Đỗ Thanh Hải, giám đốc VFC, cho biết: “Tuy số lượng phim có giảm nhưng số tập phim vẫn tương đương, bởi các phim năm trước của chúng tôi thường chỉ có 1-2 tập”.

Tư nhân “trội” hơn Nhà nước

Ngược lại, không khí sản xuất phim tết ở các hãng phim tư nhân khá sôi động. Ông Phần “nông thôn” (tên gọi vui của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần - từng thành công trong vai trò đạo diễn các bộ phim nói về đề tài nông thôn như Ma làng, Gió làng Kình) - đang chuẩn bị vào TP.HCM tham gia bộ phim Nụ hôn giao thừa (5 tập, đạo diễn Xuân Phước, Công ty HIC phối hợp cùng Công ty V-Art sản xuất) với tư cách là chỉ đạo nghệ thuật kiêm tác giả kịch bản bộ phim.

Ông cười: “Đây là bộ phim đầu tiên của tôi sau khi nghỉ hưu ở VFC nên cần phải đầu tư một chút. Làm phim tết dĩ nhiên phải mang không khí vui vẻ đầu xuân. Câu chuyện Nụ hôn giao thừa đề cao giá trị gia đình, song song đó phản ánh phong tục tập quán đón tết ở các vùng miền như miền Tây, TP.HCM, Hà Nội…”.

Đạo diễn Trần Lực, giám đốc Hãng phim Đông A, cho biết năm nay hãng sản xuất đến hai bộ phim tết là Ra ngõ gặp xuân (5 tập, đạo diễn Quang Đại) và Tía ơi về ăn tết (4 tập, đạo diễn Nguyễn Quang Hưng) cho HTV và SCTV.

Hãng phim TV Plus hiện đang lên kế hoạch sản xuất hai bộ phim là Vua bếp (2 tập) do đạo diễn Nguyễn Dương thực hiện và Ai cũng có tết (5 tập, đạo diễn Phương Điền) cho cả HTV lẫn VTV. Hãng phim Sao Thế Giới cũng đang lên kế hoạch sản xuất phim dài 2 tập Bi hài số đỏ cho HTV…

So với các năm trước, số lượng đầu phim lẫn số tập phim truyền hình năm nay dành cho dịp tết đều tăng. Rõ ràng đây là một tín hiệu vui, bởi đối với phim truyền hình, một bộ phim tối thiểu phải 30 tập mới bắt đầu có lãi, trong khi phim dành cho tết chỉ khoảng năm tập. Bỏ tiền làm phim, các hãng phim tư nhân chấp nhận sự rủi ro đáng kể.

Tuy nhiên, có lẽ sự đắn đo suy tính không phù hợp lắm với không khí vui vẻ của ngày tết, như ý kiến của đạo diễn Trần Lực: “Dĩ nhiên sản xuất phim tết không có lời như phim nhiều tập nhưng không đến nỗi tệ để phải nói lỗ. Điều chính là làm sao đem đến cho khán giả  những món ăn tinh thần đậm tiếng cười ngày xuân. Nếu làm được những bộ phim mang lại niềm vui cho khán giả thì bản thân người làm phim cũng cảm thấy vui lây”.