Cứu trợ khẩn cấp cho 6 tỉnh miền Trung thiệt hại do bão số 10

Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã quyết định cứu trợ khẩn cấp bước đầu tiền và hàng trị giá 1 tỷ 558 triệu đồng cho 6 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.

Ngày 17-9, trước những thiệt hại nghiêm trọng do bão số 10 gây ra tại các tỉnh miền Trung và Bắc Trung bộ, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã quyết định cứu trợ khẩn cấp bước đầu tiền và hàng trị giá hơn 1,5 tỷ đồng cho 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.

Hàng hóa và tiền mặt cứu trợ bao gồm: hỗ trợ gia đình có người thiệt mạng 3 triệu đồng/người; hỗ trợ 240 gia đình nhà bị sập, đổ hoàn toàn với số tiền 3 triệu đồng/hộ; hỗ trợ 650 hộ có nhà bị thiệt hại nặng (1 triệu đồng/hộ) và cấp 250 bộ dụng cụ sửa chữa lại nhà cửa.

Tặng thùng hàng gia đình cho 1 hộ dân tại xã Kỳ Nam, TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh

Đoàn công tác của Hội Chữ thập đỏ và tặng quà hỗ trợ một gia đình ở Quảng Bình

Cùng ngày, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ra Lời kêu gọi các cấp Hội trong cả nước vận động cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ và các tổ chức, cá nhân, các tầng lớp nhân dân ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả bão số 10 năm 2017. Đợt vận động ủng hộ kéo dài đến hết tháng 10- 2017.

Trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau bão số 10 do sạt lở, ngập lụt, ô nhiễm môi trường gây ra, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Sở Y tế một số tỉnh thành khẩn trương chủ động triển khai các phương án ứng phó về y tế và công tác phòng chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường trong và sau bão, lụt.

Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ngập lụt triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác theo các khuyến cáo về các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau bão lụt.

Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu các địa phương tập trung triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường sau lũ và ngập lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

Tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau lũ và ngập lụt như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, đặc biệt cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn. Duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch để sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới.

Tổ chức các đoàn đi kiểm tra, hướng dẫn người dân về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm khi cần thiết. Đặc biệt, các địa phương phải chủ động cấp hóa chất, hướng dẫn người dân triển khai thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng Chloramin B, Aquatabs hoặc những hóa chất khử khuẩn khác tại các vùng có thể bị ngập lụt.

Tăng cường giám sát chất lượng nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt tại các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung, đảm bảo nồng độ Clo dư luôn đạt 0,3-0,5 mg/lít tại vòi sử dụng, đảm bảo người dân có nước sạch an toàn để sử dụng.

Nguồn SGGP