Công điện của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn

Chiều 30/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn có Công điện số 12/CĐ-TW gửi Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh trở ra; Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Y tế, Công Thương.

Khẩn trương lắp đặt bơm thoát nước tại moong Công ty than Dương Huy (Quảng Ninh). Ảnh: TKV


Nội dung công điện như sau:

Theo tin cảnh báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, từ tối ngày 30/7 tại các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ sẽ có một đợt mưa to đến rất to; lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở khu vực miền núi; vùng đồng bằng, vùng thấp, đô thị có khả năng xảy ra ngập úng. Trên hệ thống sông Thái Bình có khả năng xuất hiện đợt lũ ở mức báo động 2 đến 3. Trên Vịnh Bắc bộ có gió mạnh cấp 6 -7, giật cấp 8-9. Cấp độ rủi ro từ 2 đến 3.

Đây là đợt mưa lũ dự báo có cường độ lớn, kéo dài, xảy ra trên diện rộng, diễn biến phức tạp. Để kịp thời khắc phục hậu quả mưa lũ tại Quảng Ninh vừa qua và chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của mưa lũ, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành triển khai thực hiện một số nội dung sau:
 
1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo tại các công điện số: 1192/CĐ-TTg, 1199/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và công điện số 11/CĐ-TW ngày 28/7/2015 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn;

2. Các Bộ, ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, sớm ổn định đời sống nhân dân; đưa khách du lịch về bờ an toàn; tìm kiếm người mất tích trên biển.

3. Kiên quyết di dời dân ở những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các lán trại công nhân ven sườn núi, vùng ven sông, suối; có biện pháp cảnh báo và hướng dẫn giao thông qua các đoạn đường có nguy cơ ngập lụt, tràn, ngầm qua suối, bến đò ngang;

4. Bố trí lực lượng thường trực, theo dõi vận hành các hồ chứa; chủ động xả nước đón lũ đối với các hồ chứa vừa và lớn; tăng cường kiểm tra các hệ thống đê điều;

5. Bộ Công thương chỉ đạo kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn các khu vực hầm, mỏ, khai thác khoảng sản; cử chuyên gia hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh đánh giá nguy cơ vỡ đập xỉ than 790 của Công ty than Cọc Sáu, phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả và những khu vực chứa xỉ than, chất thải hầm lò có nguy cơ khác;

6. Các Bộ: Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng phương án khôi phục, đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc; bố trí sẵn lực lượng tại những khu vực có thể bị chia cắt;

7. Các tỉnh, thành phố ven biển thông báo kịp thời diễn biến sóng, gió cho tàu thuyền hoạt động ở khu vực vịnh Bắc Bộ biết để chủ động phòng, tránh;

8. Các địa phương chỉ đạo chuẩn bị, bố trí sẵn sàng lực lượng và phương tiện cứu hộ theo hướng dẫn của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, nhất là ở những nơi có nguy cơ cao;

9. Tiếp tục tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn./.

Nguồn ĐCSVN