Côn Sơn – “tùng lâm đẹp đẽ”

Trong lần về thăm Côn Sơn, Bác Hồ căn dặn cán bộ, nhân dân Hải Dương và các nhà sư tích cực trồng cây, làm cho di tích trở thành thắng cảnh du lịch và là nơi “tùng lâm đẹp đẽ”.

 Cầu Thấu Ngọc ở khu di tích Côn Sơn.

Ông Nguyễn Khắc Minh, Trưởng Ban quản lý khu di tích Côn Sơn Kiếp Bạc cho biết: Côn Sơn, Kiếp Bạc là hai di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của quốc gia. Từ Tết Ất Mùi tới nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 10 nghìn khách thập phương hành hương về đây chiêm bái để cầu “quốc thái, dân an”, cầu mong sức khỏe, mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi. Mọi người thường dành nhiều thời gian tham quan, vãn cảnh, chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc cổ độc đáo cũng như những công trình văn hóa hoành tráng được tu bổ, tạo dựng và xây mới gần đây giữa “tùng lâm đẹp đẽ’ theo ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Côn Sơn với núi Kỳ Lân và núi Ngũ Nhạc là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm thời Trần (Côn Sơn – Yên Tử – Quỳnh Lâm). Kế đó, là Đền Kiếp Bạc tựa vào núi Trán Rồng, hướng ra sông Lục Đầu. Côn Sơn – Kiếp Bạc còn tiếp giáp với dãy núi Phượng Hoàng và núi Rùa, tạo nên vùng đất quần tụ đủ tứ linh, ngũ nhạc, lục đầu giang. Đó là sự sắp đặt kỳ diệu của tạo hóa, góp phần tạo nên vùng đất lịch sử còn mãi âm vang những chiến công lẫy lừng qua nhiều thời đại.

Cảnh sắc thiên nhiên cùng sự tạo dựng của con người đã làm cho Côn Sơn trở thành một “đại thắng tích” giữa ngàn thông bát ngát, với những hồ nước trong veo, suối reo rầm rì men theo các dãy núi. Trong khung cảnh sơn thủy hữu tình, du khách không thể bỏ qua những danh lam, thắng cảnh, những công trình kiến trúc nghệ thuật, gắn liền với lịch sử, văn hóa của dân tộc như bàn cờ tiên, Thạch Bàn, Giếng Ngọc, Am Bạch Vân, Đền Nguyễn Trãi, Ngũ Nhạc Linh Từ, động Thanh Hư, cầu Thấu Ngọc…

Khu Đền thờ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn.

Ẩn mình giữa rừng cây cổ thụ, chùa Côn Sơn có tên chữ là Thiên Tư Phúc tự, hay còn gọi là chùa Hun. Chùa được kiến trúc theo kiểu chữ công gồm Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện. Sân chùa có cây đại hơn 600 tuổi, đặc biệt là những tấm bia quý giá như: bia “Côn Sơn Tư Phúc tự bi” hình lục lăng, tấm bia này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc ngày 15-2-1965, trong lần Người về thăm Côn Sơn; bia “Thanh Hư động” có từ thời Long Khánh (1373-1377), với nét chữ của vua Trần Duệ Tông.

Giếng Ngọc nằm ở sườn núi Kỳ Lân, bên phải là lối lên Bàn Cờ Tiên, dưới chân Đăng Minh Bảo Tháp. Tương truyền đây là giếng nước do Thiền sư Huyền Quang được thần linh báo mộng ban cho chùa nguồn nước quý. Nước giếng trong vắt, xanh mát quanh năm, uống vào thấy khoan khoái dễ chịu. Từ đó, có tên là Giếng Ngọc, nước giếng được các sư dùng làm nước cúng lễ của chùa

Từ chùa Côn Sơn leo khoảng 1.800m là đến đỉnh núi Côn Sơn (cao 200m). Tại đây, có phiến đá khá rộng, bằng phẳng gọi là Bàn Cờ Tiên, tương truyền là nơi Nguyễn Trãi và các bậc tiền nhân dừng chân chơi cờ. Từ Bàn Cờ Tiên, du khách có thể phóng tầm mắt, bao quát cả một vùng núi non kỳ vĩ.

Bên suối Côn Sơn, có một phiến đá gọi là Thạch Bàn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân nghỉ, khi Người tới thăm di tích này. Từ chân núi, đi theo lối mòn kê đá xuống phía chân núi, có một tảng đá lớn phẳng và nhẵn, nằm kề ven suối, gọi là Thạch Bàn lớn. Tương truyền khi xưa, Nguyễn Trãi lấy làm “chiếu thảm” nghỉ ngơi, ngắm cảnh, làm thơ và suy tư việc nước.

Trong quần thể di tích Côn Sơn, có một địa danh đầy hấp dẫn mang mầu sắc bí ẩn mà nhiều người chưa biết, đó là “Ngũ Nhạc linh từ”. Trên năm đỉnh núi của núi Ngũ Nhạc, có năm miếu thờ năm phương: đông, tây, nam, bắc và trung phương. Xưa, các miếu thờ được xây bằng đá nhưng đã đổ nát qua thời gian, gần đây các miếu đã được trùng tu tôn tạo, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và văn hóa, du lịch của nhân dân.

Suối Côn Sơn xưa có cầu Thấu Ngọc bắc qua, được các sử gia và thi nhân ca ngợi như một công trình tuyệt mỹ tựa cảnh bồng lai. Nhà sử học Phan Huy Chú đã viết: “Trên núi có động Thanh Hư, dưới núi có cầu Thấu Ngọc, cây và đá xanh um, thật là một cảnh đẹp ở nhân gian”.

Cũng hiếm ở đâu như ở Côn Sơn, lại có nhiều trí thức, văn nhân, nhà văn hóa đến thăm, cảm hứng và sáng tạo như thế. Đây thực sự là nơi vân du, ẩn dật và tu tâm dưỡng tính của các bậc danh nhân, tiêu biểu cho tâm hồn, khí phách, tinh hoa văn hóa Việt Nam ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau cũng như của bao tao nhân mặc khách.

Ở Côn Sơn, văn hóa Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo cùng tồn tại và phát triển qua nhiều thế kỷ, nhưng tất cả đều thấm đẫm bản sắc văn hóa Việt, đều để lại dấu ấn qua mỗi công trình xây dựng, qua từng chi tiết kiến trúc, chạm khắc, qua các bia đá, tượng thờ, hoành phi, câu đối; qua văn hóa Lý – Trần, Lê – Nguyễn và ở các tầng văn hóa dưới lòng đất khi khai quật khảo cổ học. Bên cạnh đó, những di sản văn hóa phi vật thể quý giá ở Côn Sơn chứa đựng trong sách vở, trong các truyền thuyết, các nghi thức cúng tế và hoạt động lễ hội vô cùng phong phú.

Năm nay, tỉnh Hải Dương sẽ tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Bác Hồ về thăm Côn Sơn (1965-2015) và khai hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc. Lễ hội được tổ chức từ ngày 4 đến 7-3 (tức ngày 14 đến 17 tháng Giêng âm lịch) với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, các trò chơi dân gian.