Còn một cuộc chiến nữa ở Iraq
Cuộc chiến kéo dài gần chín năm tại Iraq do Mỹ phát động kéo dài gần chín năm. Cho đến lúc này, khi Mỹ đang dần rút toàn bộ quân về nước thì người dân Iraq, đặc biệt là phụ nữ, vẫn đang phải từng ngày vật lộn với cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần.
Cuộc chiến này đã cướp đi sinh mạng của hơn 100 nghìn người Iraq trong đó có hàng chục nghìn nam giới là những binh lính, cảnh sát và thường dân.
Halima Dakhil trở thành góa phụ khi chồng cô bị giết trong một vụ xung đột sắc tộc ở Iraq. Kể từ đó, cô đóng vai trò là trụ cột chính trong gia đình, chạy vạy từng ngày để nuôi năm đứa con nhỏ.
Là nhân viên thu dọn cho một phòng y tế, Halima Dakhil kiếm được 250 USD mỗi tháng, tuy nhiên tiền thuê nhà đã ngốn hết 210 USD. Vì vậy, Dakhil phải phụ thuộc phần lớn vào sự giúp đỡ của những người hàng xóm tốt bụng và những người hảo tâm khác để nuôi sống gia đình.
Dakhil chia sẻ: “Khi chồng tôi bị giết vào năm 2006, đứa con nhỏ nhất của tôi, Ridha, mới chập chững biết đi. Tôi đã phải vừa làm bố, vừa làm mẹ. Tôi chăm sóc con và trả tiền thuê nhà. Tiền thuê nhà đang khiến tôi rơi vào cảnh túng bấn, các con tôi thường xuyên đi ngủ mà không ăn tối”.
Halima Dakhil chỉ là một trong số rất nhiều phụ nữ Iraq đang phải gánh vác gia đình do chồng họ bị chết trong những vụ đánh bom, các cuộc xung đột, trả đũa lẫn nhau giữa cáo giáo phái và các cuộc xung đột khác trong suốt cuộc chiến tranh mà Mỹ phát động tại Iraq.
Theo Bộ trưởng phụ trách các vấn đề về phụ nữ của Iraq Ibtihal Gasid al-Zaidi, ước tính có khoảng hai triệu phụ nữ đóng vai trò làm trụ cột trong gia đình tại Iraq, hầu hết họ trở thành góa phụ trong cuộc chiến do Mỹ phát động vào năm 2003, các cuộc xung đột sắc tộc sau đó, cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần I và cuộc chiến Iran-Iraq vào những năm 1980.
Trong số bảy triệu người Iraq (23% dân số Iraq) sống dưới mức nghèo đói có tới hơn một nửa là phụ nữ. Nhiều góa phụ phải đấu tranh với thực tế cuộc sống mới, chăm sóc con một mình mà không có nhiều tiền và sự trợ giúp của gia đình.
Năm 2009, Chính phủ Iraq đã ban hành một luật mới và thành lập Ủy ban bồi thường quốc gia nhằm giúp đỡ những nạn nhân chiến tranh và những người thân của họ.
Tiêu chuẩn bồi thường bao gồm 4.275 USD cho mỗi nhân viên chính phủ bị thiệt mạng và 3.200 USD cho mỗi người thiệt mạng không phải nhân viên chính phủ. Ngoài trợ cấp an sinh xã hội, các nạn nhân cũng được cấp đất và nhận thêm tiền trợ cấp hàng tháng với 85 USD cho mỗi góa phụ và 13 USD cho mỗi trẻ em.
Người đứng đầu Ủy ban bồi thường quốc gia Iraq cho biết, tính đến nay, Ủy ban bồi thường quốc gia đã hỗ trợ 47 triệu USD, cấp đất cho các hộ gia đình tại một số tỉnh bên ngoài Baghdad.
Bên cạnh đó, Chính phủ Iraq cũng đã quyết định chi 1,2 tỷ USD mỗi năm cho kế hoạch nhằm giảm tỷ lệ nghèo đói xuống còn 16% trong năm 2014 với mức chuẩn nghèo là 66 USD/ người/ tháng.
Tuy nhiên, những nỗ lực nói trên của của Chính phủ Iraq vẫn không thấm vào đâu so với những khó khăn mà người dân Iraq đang phải đối mặt. Theo Hassan al-Zubaidi, một giáo sư tại Đại học Kufa ở thành phố Najaf và là một trong những người xây dựng kế hoạch xóa đói giảm nghèo cho Chính phủ Iraq, hiện tại có rất nhiều người Iraq đang có thu nhập gần mức chuẩn nghèo.
“Hầu hết người dân Iraq đang có thu nhập gần mức 66 USD mỗi tháng, điều này có nghĩa là với bất kỳ cuộc khủng hoảng an ninh và kinh tế nào, nhiều người sẽ phải sống dưới mức nghèo đói”, giáo sư Zubaidi cho biết.
Chiến tranh Iraq đã đến hồi kết nhưng việc hàn gắn những vết thương mà nó để lại đang là một cuộc chiến mới đối với Chính phủ Iraq và với mỗi người dân tại đất nước này.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.