Cơn bão Con voi kinh hoàng “sắp trở lại” Nam Trung bộ

Tiến sĩ Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng -Thủy văn Quốc gia cảnh báo, cơn bão sắp đổ bộ vào các tỉnh ở phía Nam nước ta có đặc điểm giống hệt cơn bão kinh hoàng mang tên “Con voi” (Damrey) năm 2017.

Sáng nay 29-10 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để chỉ đạo ứng phó với cơn bão sắp đổ bộ vào nước ta, dự báo là chiều tối mai 30-10.

Cơn bão Con voi kinh hoàng 'sắp trở lại' Nam Trung bộ  ảnh 1
Tiến sĩ Mai Văn Khiêm cho biết, khoảng chiều tối mai bão sẽ đổ bộ đất liền nước ta

Báo cáo tại cuộc giao ban, Tiến sĩ Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng- Thủy văn Quốc gia cho biết, sáng nay áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã có dấu hiệu mạnh lên. Dự báo chiều nay, có thể là đầu giờ chiều nay, sẽ mạnh lên thành bão.

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn Quốc gia cảnh báo, cơn bão này di chuyển rất nhanh. Dự báo khoảng chiều tối mai (30-10), bão sẽ đổ bộ vào đất liền.

Khu vực tâm bão đổ bộ được nhận định là Nam Trung bộ. Trong đó, các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên có thể sẽ lại lặp lại “cơn bão kinh hoàng” đã từng xảy ra vào đầu tháng 11-2017. Người dân ở Nam Trung bộ vẫn chưa quên cơn bão này.

Cơn bão Con voi kinh hoàng 'sắp trở lại' Nam Trung bộ  ảnh 2
Ảnh: TTKTTVQG
Được tiếp sức bởi không khí lạnh mạnh, “cơn bão ngày mai có đặc điểm là sẽ đột ngột mạnh lên khi vào gần bờ và có đường đi, vị trí đổ bộ gần giống với cơn bão Damrey năm 2017”, ông Mai Văn Khiêm cảnh báo.

Vào sáng sớm ngày 4-11 năm 2017, cơn bão có tên quốc tế Damrey (được gọi là Con voi), cơn bão thứ 12 trong năm 2017, đã đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa, gây thiệt hại kinh hoàng trên cả dải rộng tại Nam Trung bộ, làm 142 người chết và mất tích, hàng ngàn lồng bè nuôi tôm hùm, hải sản bị thiệt hại nặng…

Cơn bão Con voi kinh hoàng 'sắp trở lại' Nam Trung bộ  ảnh 3
Cuộc họp báo cáo tình hình cơn bão nguy hiểm diễn ra sáng nay 29-10-2019

Đáng lo ngại là cơn bão này sẽ gây ra mưa rất lớn tại miền Trung, gần giống đợt mưa gây lũ lụt năm 1999. Đợt 1 sẽ gây mưa trên dải rộng từ Nam Trung bộ, Tây Nguyên đến Huế, nhưng đợt 2 sẽ mở rộng ra cả Bắc Trung bộ và Bắc bộ do tương tác của không khí lạnh với hoàn lưu phía Bắc cơn bão.

Các chuyên gia từ Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn Quốc gia cũng cho biết, đây có thể là cơn bão gây mưa lũ lớn. Trong cơn bão Damrey năm 2017 đã từng gây mưa tới 1.000mm. Vì vậy, hiếm khi trung tâm dự báo của Việt Nam đưa bản tin “lạ” (cảnh báo mưa rất lớn ở Trung bộ và Tây Nguyên) như với cơn bão lần này.

Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão  

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lúc 13 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,0 độ Vĩ Bắc; 114,9 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 100km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 70km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 30/10, vị trí tâm bão ở khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Phú Yên-Khánh Hòa khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 10,5 độ Vĩ Bắc.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10 và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Đông Cam-pu-chia.

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Gió mạnh trên biển

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau có khả năng mạnh lên thành bão, ở khu vực Bắc và giữa Biển Đông và vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh.

Từ gần sáng và ngày mai (30/10), ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh dần lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 4-7m; biển động rất mạnh; ở Nam Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động.

Mưa rất lớn ở Trung Bộ và Tây Nguyên

Từ ngày 30-31/10, ở các tỉnh/thành từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên có mưa rất to (tổng lượng mưa 300-400mm/đợt, riêng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa 400-600mm/đợt). Từ ngày 31/10 đến 02/11 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to (Tổng lượng mưa phổ biến 200-300mm/đợt, riêng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình 300-500mm/đợt).

Cảnh báo: Từ ngày 04-05/11, mưa lớn có khả năng xuất hiện trở lại ở các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ.

Nguồn SGGP