Có người xem V-League

Những nhà tổ chức V-League đang tỏ ra hí hửng, nhờ giải đấu năm nay hấp dẫn hơn mọi khi. Đặc biệt là số lượng khán giả tăng lên, trong lúc chi phí mỗi CLB bỏ ra cho mùa bóng lại ít đi nếu đem so với trước.

Điều này khác xa trong quá khứ, vì lượng khán giả đến sân tỷ lệ nghịch số tiền CLB đổ ra đầu tư từng có lúc lên cả trăm tỷ/mùa, khiến ai nấy giờ ngẫm lại giật mình thon thót.

Còn nhớ ở chương trình “Đội tuyển tôi yêu”, MC đặt ra câu hỏi với những người tham gia thì nhận được câu trả lời khá… vô tư. Hầu hết đều cho rằng V-League không lôi cuốn hoặc chẳng mấy quan tâm, thậm chí có người còn nói không rõ V-League là gì nữa (!?). Giờ thì mọi thứ đã tốt hơn, ít ra ở khía cạnh người xem đến sân dần cải thiện. Thực tế thì nhiều tầng lớp, nhiều giới và cả… tuổi teen cũng quan tâm đến giải đấu. Đấy là điều mà BTC chẳng dám mơ đến nếu tính cách đây vài mùa bóng.

Khán giả gia tăng qua 5 vòng đấu vừa qua đang đem lại phấn khởi cho các nhà tổ chức.

Con số thống kê lượng khán giả đến sân ở từng mùa trong quá khứ bị giảm dần đều. Từ hơn 10.300 người/trận (2009) xuống còn 8.400 người/trận (2010) và sau nữa là 7.400 (2011)… nhưng đến nay, mới trải qua 5 vòng đấu con số đạt hơn 9.000 người/trận. Nó còn được dự báo sẽ tăng thêm nữa trong thời gian tới nhờ tính bất ngờ của V-League 2015.

Cái hay của mùa bóng năm nay là tài chính bị cắt giảm mạnh do khó khăn, nhưng người hâm mộ lại quan tâm. Chẳng như ngày trước tiền tấn đổ ra mà dư luận dửng dưng đến lạ. Về việc này thì một vị phó chủ tịch VFF từng phát biểu cứ đá hay, đàng hoàng kiểu gì khán giả cũng tìm đến.

V-League sau 14 năm làm chuyên nghiệp có lúc thấy nản khi ngày càng đi xuống. Thế nhưng, 5 vòng đấu rồi dù chưa thật sự đột biến nhưng vẫn có thứ để hy vọng. Đừng như nhiều chuyên gia ngoại khi đến Việt Nam từng rất ngạc nhiên về V-League luôn lèo tèo khán giả nhưng chẳng hiểu sao vẫn gọi là chuyên nghiệp?

Nguồn SGGP