Có cơ chế riêng, ĐBSCL mới “cất cánh”

Với cơ chế tài chính như hiện nay thì rất khó điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư vào ĐBSCL, việc huy động nguồn lực xã hội cũng rất hạn chế

Tại hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, tổ chức hôm 18-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý phân bổ thêm 45.000 tỉ đồng (tương đương 2 tỉ USD) cho ĐBSCL trong 5 năm tới theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT).

Phải có bước đột phá

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, ngân sách trung ương đã quan tâm nhiều hơn cho vùng này nhưng chưa đủ. ĐBSCL hiện còn thiếu hạ tầng, giao thông, chưa có cảng nước sâu và đường sắt, hệ thống đường thủy chưa phát triển đồng bộ. Do đó, phân bổ thêm 45.000 tỉ đồng cho vùng này là để đẩy nhanh các dự án cấp bách. Một nửa trong số tiền này sẽ được chi từ ngân sách và một nửa từ nguồn huy động khác.

Có cơ chế riêng, ĐBSCL mới cất cánh - Ảnh 1.

ĐBSCL đang rất cần đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông, để có điều kiện phát triển. Ảnh: NGỌC TRINH

Theo Bộ KH-ĐT, các quy định hiện hành chưa quy định ưu tiên xây dựng một cơ chế tài chính riêng cho hoạt động liên kết tại ĐBSCL. Vì thế, việc huy động nguồn lực xã hội vào đây rất hạn chế. Từ thực tế đó, Bộ KH-ĐT cho rằng cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế tài chính riêng cho vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025, đồng thời hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách và điều phối vùng.

“Với cơ chế như hiện nay thì rất khó cho vấn đề điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư vào ĐBSCL. Do đó, chúng ta sẽ có cơ chế riêng cho nguồn vốn này để xử lý các dự án cấp bách. Nếu cứ đi từ từ như hiện nay, không có một bước đột phá thì rất khó cho ĐBSCL” – ông Nguyễn Chí Dũng nói. Theo ông, 45.000 tỉ đồng là con số nằm trong ngưỡng tính toán hết sức an toàn, khả thi. Quốc hội thông qua, Hội đồng Quản lý vùng sẽ dùng khoản tiền này để thực hiện ngay các dự án, xác định thứ tự ưu tiên. Bên cạnh đó, các khoản vay, các khoản viện trợ không hoàn lại cũng sẽ hòa chung vào nguồn vốn này để tính toán cho các vấn đề của vùng ĐBSCL.

Đồng tình, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng việc bố trí vốn hiện chưa đáp ứng nhu cầu của ĐBSCL. Cách thức bố trí vẫn thực hiện theo cơ chế cũ, chưa có gì đột phá. Ông Hà nói: “Trước đây, có ý kiến còn quan ngại về nợ công nhưng chúng ta đã có kết quả trong kiểm soát nợ công. Điều đó tạo không gian về tài khóa để có thể huy động nguồn lực nhiều hơn”.

Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, bày tỏ hoàn toàn ủng hộ quan điểm này. “Tôi cho rằng đây là chương trình trọng điểm quốc gia chứ không chỉ dừng lại ở mức độ công trình trọng điểm quốc gia. Vài chục ngàn tỉ đồng không phải là lớn để phát triển cả một vùng có ý nghĩa quan trọng như ĐBSCL. Việc này phải được thúc đẩy ngay từ bây giờ” – ông Hải nêu quan điểm.

Thiết lập nền tảng tài chính toàn diện

Nhìn nhận một vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, thịnh vượng và bền vững, cần phải huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, ông Ousmane Dione – Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam – gợi ý 3 giải pháp. Cụ thể, để huy động được tài chính, điều quan trọng đầu tiên là phải thiết lập một nền tảng tài chính toàn diện. Có thể kết hợp và thúc đẩy các nguồn tài chính của nhà nước và tư nhân, vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại và phân bổ hiệu quả các nguồn tài chính này. Thứ hai là Chính phủ Việt Nam nên thúc đẩy một môi trường pháp lý khuyến khích hợp tác giữa các tỉnh và khu vực tư nhân. Thứ ba, thiết lập một hệ thống phân bổ và thực hiện ngân sách đơn giản và hiệu quả với các ưu đãi tài chính mạnh mẽ nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư cấp vùng.

Ông Ousmane Dione phân tích: “Nền tảng tài chính này cần cung cấp nguồn tài chính riêng để đạt được các mục tiêu của Nghị quyết 120, quy hoạch vùng tích hợp sắp tới và cần giám sát phù hợp”. Theo ông Ousmane Dione, cam kết của Chính phủ dành cho nền tảng tài chính và các dự án đầu tư cấp vùng thích ứng với khí hậu phải được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của trung ương và địa phương trong giai đoạn 2021-2025 cũng như kế hoạch đầu tư trung hạn kèm theo. Nguồn tài chính hiện có cần tạo ra những biện pháp khuyến khích sự phối hợp giữa các bên, huy động sự tham gia của khu vực tư nhân, xây dựng và thực hiện các giải pháp thông minh về khí hậu mang tính đổi mới và chuyển đổi, giảm thiểu rủi ro.

“Kinh nghiệm quốc tế về quỹ tín thác, quỹ tài chính, cơ chế tài chính bao trùm, bao gồm các chương trình hỗ trợ ngân sách trực tiếp, trái phiếu, quan hệ đối tác công – tư (PPP)… mang đến những hiểu biết sâu, có giá trị cho ĐBSCL” – ông Ousmane Dione nói và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ xác định các công cụ tài chính phù hợp, thiết kế các quy định pháp lý và thực hiện huy động vốn.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, cho rằng trong việc phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL, cần có những đầu tư lớn. Với tư cách là quốc gia có thu nhập trung bình, Việt Nam sẽ mất nhiều thời gian hơn để tiếp cận các khoản vay ưu đãi.

“Đây là thời điểm thích hợp để huy động nguồn tài chính xanh và thay đổi tư duy tiếp cận để lôi kéo, huy động đầu tư tư nhân” – bà Caitlin Wiesen gợi mở. Theo bà Caitlin Wiesen, ngân sách hạn hẹp của Chính phủ nên được sử dụng một cách chiến lược để thúc đẩy, tạo động lực và giảm rủi ro cho đầu tư từ khu vực tư nhân. Khu vực tư nhân đã và đang đầu tư, cho thấy cam kết mạnh mẽ cũng như sự quan tâm đến phát triển ĐBSCL. Nghiên cứu gần đây của Bộ KH-ĐT, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc đã cho thấy có khoảng 32 tỉ USD huy động từ khu vực tư nhân vào năm 2025, tập trung vào 4 lĩnh vực chính: Năng lượng tái tạo, nông nghiệp và thủy sản, chế biến thức ăn và cơ sở hạ tầng môi trường.

Nguồn NLĐ