Chuyển đổi từ trồng lúa sang rau màu, lợi nhuận tăng hơn 9 lần

(THTG) Thực hiện đề án cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ năm 2016 đến nay, nông dân các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đã chuyển đổi hơn 2.200 hecta đất trồng lúa sang trồng rau màu chuyên canh, đã không những khắc phục được tình trạng thiếu nước ngọt sản xuất trong mùa khô mà lợi nhuận thu được từ trồng rau màu còn cao hơn 9 lần so với lúa.

vlcsnap-2018-01-25-14h57m10s395

 vlcsnap-2018-01-25-14h58m01s519

Vụ mùa ngắn, ít sâu bệnh, nhu cầu thị trường lớn  đã đem lợi nhuận cho người nông dân cao hơn so với trồng lúa. Ảnh: Việt Bình

Khu vực đi đầu trong thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng sinh thái là huyện Gò Công Đông đã chuyển đổi 395 ha và huyện Gò Công Tây 270 ha. Phần lớn nông dân trồng rau ăn lá vì thời gian sản xuất một vụ mùa ngắn, ít sâu bệnh và nhu cầu tiêu thụ của thị trường lớn. Cùng với định mức chính sách hỗ trợ của nhà nước là 3 triệu đồng cho 1 hecta chuyển đổi, các ngành, các cấp còn thường xuyên tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật canh tác rau màu để nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận. Riêng ngành thủy lợi đã chủ động kiện toàn hệ thống thủy lợi, vận hành cống ngăn mặn hợp lí, trục vớt lục bình, bảo đảm có đủ nguồn nước phục vụ tưới cho rau màu trong mùa khô hàng năm nên không còn tình trạng sản xuất bị thiệt hại do hạn hán, mặn xâm nhập như canh tác lúa trước đây.

Để tăng thêm hiệu quả kinh tế các diện tích chuyển đổi, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã liên kết với chính quyền các địa phương, các nhà khoa học và các doanh nghiệp xây dựng các chuỗi sản xuất rau an toàn khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ hoặc hình thành các hợp tác xã trồng rau an toàn, tạo mọi điều thuận lợi để người dân vùng Gò Công yên tâm chuyển đổi các diện tích trồng lúa khó khăn sang trồng rau màu trong thời gian tới./

Kim Nữ