Chủ tịch UBND tỉnh khảo sát đắp đập ngăn mặn

(THTG) Ngày 6/4, ông Lê Văn Hưởng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Phạm Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành tỉnh đến khảo sát địa điểm dự kiến đắp đập ngăn mặn tại huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

1

Trước thực trạng mặn xâm nhập sâu vào địa phận huyện Tân Phước của tỉnh Tiền Giang theo hướng từ tỉnh Long An sang gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của huyện Tân Phước với hơn 14.000ha khóm, hơn 700ha cây ăn trái, 3.000ha lúa, 200ha cây màu. Hiện tại, lượng nước tại các ao tích trữ chỉ còn sử dụng được khoảng 4-5 ngày, độ mặn phía bên ngoài vượt mức cho phép sử dụng. Tại cầu Láng Cát, độ mặn đo được 2,28g/l; Cầu Trương Văn Sanh, độ mặn 2,55g/l; Cầu Tràm Mù 2,18g/l…Hiện tại, UBND tỉnh dự kiến sẽ đắp 5 đập trên địa bàn huyện Tân Phước gồm: Đập Láng Cát – Trương Văn Sanh; Tràm Mù – Láng Cát; Kinh 500 – Láng Cát; Kinh Chín Hấn – Bắc Đông và cuối kinh Nhị Mỹ – Tràm Tróc để rửa mặn và tích trữ nước khi độ mặn giảm. Trước mắt đập Tràm Mù – Láng Cát sẽ được thực hiện đầu tiên.

Ngoài ra, đoàn còn đến quan trắc độ mặn tại một số điểm thuộc  cống Kinh Đào, huyện Tân Phước, kinh Sáng Cụt, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, để nắm bắt diễn biến độ mặn trên sông.

Đoàn cũng tiếp tục đến làm việc với Nhà máy nước BOO Đồng Tâm, hiện tại lượng nước tại nhà máy chỉ còn đủ phục vụ trong khoảng 3 ngày nữa. Nhà máy luôn theo dõi diễn biến độ mặn để có thể lấy nước kịp thời khi độ mặn cho phép.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Văn Hưởng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu bằng mọi giải pháp phải đảm bảo không để cây khóm và cây lúa phải chết. Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn  phối hợp với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Long An, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để có giải pháp ngăn hạn mặn; Cần tăng cường cán bộ đo, kiểm tra quan trắc, cập nhật liên tục, thường xuyên diễn biến của hạn mặn để chủ động ứng phó kịp thời.

MINH TOÀN