Chủ tịch nước dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Tòa án nhân dân

Ngày 9/9, Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao đã long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống (13/9/1945 -13/9/2015), đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ II và Đại hội Thi đua yêu nước TAND lần thứ III. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Tham dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang. Đến dự còn có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo TAND qua các thời kỳ, một số toà án và tổ chức quốc tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gửi lẵng hoa chúc mừng Đại hội.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ II cho
TAND vì những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.
(Ảnh: Kim Sơn)

Diễn văn do đồng chí Trương Hòa Bình – Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao đã ôn lại lịch sử vẻ vang 70 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Tòa án.Chánh án Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Ngày 13/9/1945, chỉ sau Lễ Tuyên ngôn độc lập 11 ngày, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 33-C thiết lập các Tòa án quân sự để trấn áp các phần tử phản cách mạng, bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân mới được thành lập. Ngày 13/9 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống của ngành Tòa án nhân dân Việt Nam.Để hoàn thiện hệ thống Toà án, ngày 24/01/1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ban hành Sắc lệnh số 13 về tổ chức ngành Toà án và các ngạch Thẩm phán.

Bước vào thời kỳ đổi mới, thẩm quyền của các TAND được mở rộng, TAND đã có nhiều cố gắng, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Đặc biệt là trong hơn 10 năm gần đây, thực hiện đường lối cải cách tư pháp của Đảng, tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân đã không ngừng được đổi mới, phát triển.

Dấu ấn pháp lý quan trọng nhất trong thời kỳ này, đó là: Lần đầu tiên trong lịch sử lập Hiến của đất nước, Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ: “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”, “TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Đặc biệt, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, số lượng và quy trình bổ nhiệm chức danh Thẩm phán TAND tối cao có nhiều thay đổi cơ bản, từ 120 vị theo Luật cũ, nay rút xuống chỉ có từ 13 – 17 người, do Hội đồng tuyển chọn và giám sát Thẩm phán quốc gia trình ra Quốc hội; Chủ tịch nước ra quyết định bổ nhiệm căn cứ vào Nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội.

Đáng chú ý, trong 5 năm qua, trên cơ sở phương hướng, nhiệm vụ công tác thi đua khen thưởng đề ra tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ II và xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ chính trị được giao, các TAND đã tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” với phương châm “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, đội ngũ cán bộ Tòa án các cấp từng bước được bổ sung và không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tuyệt đại đa số cán bộ, công chức Tòa án đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Đảng, Nhà nước và tận tụy với nhân dân. Đội ngũ hội thẩm tòa án cũng không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong hoạt động giải quyết, xét xử tại các TAND. Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế không ngừng được tăng cường và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng, tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm tư pháp, thắt chặt tình hữu nghị giữa tòa án nước ta với tòa án các nước trong khu vực và thế giới.

Chánh án Trương Hoà Bình khẳng định: Trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau, nhưng dù ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, … các thế hệ Thẩm phán, cán bộ, công chức, người lao động TAND, Tòa án quân sự các cấp luôn luôn tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; luôn nỗ lực phấn đấu, vươn lên hoàn thành xuất sắc những trọng trách được giao; tận tụy phục vụ nhân dân; có nhiều cố gắng, vượt mọi khó khăn, xứng đáng là cơ quan bảo vệ công lý, là công cụ sắc bén của Nhà nước nhằm nghiêm trị đối tượng phản cách mạng, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi làm phương hại đến lợi ích của Đảng, Nhà nước và của nhân dân; giải quyết thoả đáng các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân, từ đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương và trên phạm vi cả nước.

Với những đóng góp to lớn của hệ thống TAND, Tòa án quân sự trong suốt 70 năm qua, hệ thống TAND đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương
phát biểu tại buổi lễ.
 (Ảnh: Kim Sơn).

Phát biểu tại buổi lễ, chúc mừng các thẩm phán, cán bộ, công chức, người lao động, các vị hội thẩm đã và đang công tác tại các TAND nhân dịp 70 năm truyền thống Ngành, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận và biểu dương những kết quả to lớn mà hệ thống TAND các cấp đã đạt được trong 70 năm qua, góp phần bảo vệ đất nước, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Nhấn mạnh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta hiện nay có những thời cơ, thuận lợi lớn, các TAND cũng có những thuận lợi rất cơ bản. Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng lưu ý những thách thức đối với công tác của TAND cũng rất lớn, nhiệm vụ của TAND cũng rất nặng nề. Tình hình các loại tội phạm và các tranh chấp trong xã hội ngày càng gia tăng về số lượng, phức tạp hơn về tính chất, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới…Thẩm quyền, trách nhiệm của Tòa án tiếp tục được mở rộng, trong bối cảnh đất nước ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân đặt ra đối với công tác xét xử ngày càng cao.

Do vậy, đòi hỏi mỗi thẩm phán, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các Tòa án cần phải có quyết tâm cao, cầu thị hơn nữa để khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm; đồng thời không ngừng nỗ lực trong công tác và học tập để nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức và ý thức trách nhiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Chủ tịch nước yêu cầu các Tòa án tiếp tục đẩy mạnh sâu rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng các phong trào thi đua yêu nước để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Mỗi thẩm phán, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các Tòa án phải luôn ghi nhớ, thấm nhuần sâu sắc, thực hiện thật tốt lời dạy của Bác Hồ: “Trong công tác xét xử phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Nhưng thế cũng chưa đủ. Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng”, “Là những người phụ trách thi hành pháp luật, lẽ tất nhiên phải nêu cao  gương: phụng công thủ pháp, chí công vô tư cho nhân dân noi theo”.

Với truyền thống vẻ vang và những kinh nghiệm đã tích lũy được trong quá trình 70 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với những đổi mới tích cực của các TAND, Chủ tịch nước tin tưởng rằng, hệ thống TAND các cấp nhất định sẽ hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra đối với công tác Tòa án trong tình hình mới, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của nhân dân, là biểu tượng của công lý trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai cho TAND vì những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta; truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cố Chánh án TAND Tối cao đầu tiên Phạm Văn Bạch; trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng nguyên Vụ trưởng Tổ chức Cán bộ Trọng tài kinh tế Nhà nước Trần Kim Giám./.

Nguồn ĐCSVN