Chính phủ trình Quốc hội nhiều cơ chế đặc thù đột phá phát triển nhà ở xã hội
(THTG) Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc Hội khóa XV, trong phiên họp ngày 20/5, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh trình Quốc hội Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm đẩy nhanh tiến độ và tháo gỡ các vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội. Mục tiêu là hoàn thành xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, trong bối cảnh tiến độ hiện tại mới đạt khoảng 15,6% mục tiêu đến năm 2025.
Chính phủ trình Quốc hội nhiều cơ chế đặc thù đột phá phát triển nhà ở xã hội
Theo tờ trình Dự thảo Nghị quyết đề xuất nhiều chính sách đột phá, bao gồm: Thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia hoạt động như một quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách ở trung ương và địa phương; Đối với các dự án nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (hoặc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với nhà ở cho lực lượng vũ trang) được giao chủ đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư mà không qua đấu thầu.
Đối với Dự án nhà ở xã hội chưa có quy hoạch chi tiết hoặc cần điều chỉnh quy hoạch chi tiết sẽ không phải thực hiện bước lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết.
Bỏ thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi tại cơ quan chuyên môn về xây dựng; cho phép chỉ định thầu rút gọn đối với các gói thầu xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, tài chính công đoàn, vốn doanh nghiệp nhà nước; Chủ đầu tư tự xây dựng hoặc thuê tư vấn thẩm tra giá trước khi phê duyệt, sau đó gửi hồ sơ cho cơ quan chuyên môn cấp tỉnh kiểm tra sau khi dự án hoàn thành.
Đối với tỉnh, thành phố được sắp xếp lại, việc xác định điều kiện nhà ở dựa trên phạm vi hành chính trước thời điểm sắp xếp. Trường hợp người lao động có nơi làm việc cách xa nhà ở thuộc sở hữu của mình từ 30km trở lên có thể được xem xét mua, thuê mua nhà ở xã hội gần nơi làm việc. Ngoài ra Dự thảo còn mở rộng đối tượng thuê nhà ở xã hội; Đa dạng hóa nguồn lực tạo quỹ đất..
Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết tại kỳ họp thứ 9 theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cơ bản tán thành sự cần thiết và việc xem xét Nghị quyết theo thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, UB Pháp luật và Tư pháp lưu ý 03 chính sách mới trong dự thảo cần xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. Đồng thời, cảnh báo các cơ chế thông thoáng có thể tiềm ẩn nguy cơ lạm dụng, tiêu cực, và đề nghị Chính phủ xây dựng cơ chế phòng ngừa. UB Pháp luật và Tư pháp cũng nêu một số băn khoăn cụ thể về mô hình hoạt động của Quỹ Nhà ở quốc gia, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư và đặc biệt thận trọng với đề xuất Nhà nước hoàn trả tiền cho chủ đầu tư do tác động đến nguồn lực nhà nước.
Minh Trí
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.