Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4

Ngày 4-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4. Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.


Ảnh: Trần Hải

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế tháng 4 và bốn tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn và thiên tai liên tiếp xảy ra.

Lãi suất tương đối ổn định, giá trị đồng nội tệ, tỷ giá ngoại tệ dao động trong biên độ dao động cho phép. Khu vực dịch vụ vẫn giữ được đà phục hồi. Thu hút vốn FDI đạt nhiều kết quả tích cực.

Các lĩnh vực việc làm, an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Tuy nhiên, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như tình hình hạn hán, xâm nhập mặn vẫn còn tiếp diễn; tình trạng ô nhiễm môi trường biển gây cá chết hàng loạt, tác động tiêu cực khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Tình hình kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc…

Trên cơ sở đó, Bộ kiến nghị một số giải pháp tập trung thời gian tới: kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn, thúc đẩy phát triển kinh tế; tiếp tục các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và khu vực DN; thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu; huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các Bộ, ngành phải chuyển từ phương thức mệnh lệnh hành chính sang kiến tạo phát triển, là công bộc của dân, lo phục vụ dân, chính quyền không thể là gánh nặng của dân. Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước, hạn chế tiến tới xóa bỏ cơ chế “xin cho”, góp phần minh bạch, chống tham nhũng.

Chính phủ tập chung lo thể chế, chính sách phục vụ cho phát triển. Cần phân cấp, giao quyền; không có chuyện các địa phương “đá bóng trách nhiệm” lên Chính phủ. Cần đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành. Đề cao vai trò cá nhân của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ: cần tập trung tháo gỡ về thể chế, quy hoạch, đào tạo, xử lý những vấn đề vĩ mô.

Thủ tướng nêu rõ, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Chính phủ quyết tâm không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP như đã đề ra. Điều này thể hiện bản lĩnh chính trị của Chính phủ.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu các ngành các cấp chủ động, năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành. Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế. Hai nhiệm vụ này quan trọng như nhau. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tính toán giảm lãi suất cho vay.

Nhà nước bảo đảm tăng trưởng tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, sáng tạo, công nghệ; đánh giá tình hình tái cơ cấu tín dụng và xử lý nợ xấu, chú trọng xử lý nợ xấu thực chất của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

NHNN kết hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, bảo đảm an toàn hệ thống, không để bất ngờ xảy ra. Bộ Tài chính cần tăng cường chống thất thu, kiểm tra giãn nợ thuế. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nợ công, không để vượt trần; quản lý chặt, hoàn thiện cơ chế mua sắm công tập trung, đấu thầu.

Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước ở các DN. Đất công ở các đô thị lớn đều phải được đấu giá công khai. Không tăng giá đồng loạt các mặt hàng thiết yếu gây “sốc”, kiểm soát chặt chẽ lạm phát.

Có giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công; có kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công; hoàn thiện cơ chế, chính sách, đánh giá hình thức đầu tư hợp tác công-tư (PPP). Không được tăng phí, thuế, lãi suất trong lúc khó khăn. Rà soát quy trình cấp vốn, sử dụng vốn ODA.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các Bộ ngành không để tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư.

Bộ Công thương thúc đẩy xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái. Tìm thị trường mới, tổ chức tốt hệ thống nội thương, tăng cường đẩy mạnh sử dụng hàng Việt, không để hàng ngoại chiếm lĩnh thị trường; giải quyết tốt vấn đề biên mậu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các Bộ, ngành đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Nhân rộng mô hình công nghệ cao. Bảo đảm cân đối cung cầu lương thực; hỗ trợ bà con tiêu thụ hải sản.

Văn phòng Chính phủ theo dõi, giám sát kết quả cuộc gặp Thủ tướng với DN diễn ra vừa qua tại TP Hồ Chí Minh. Các Bộ, ngành, cơ quan, UBND tỉnh, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân và DN; phát huy tinh thần tự do sáng tạo; cam kết cụ thể cải cách thủ tục hành chính; xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan và Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, thực hiện kế hoạch, lộ trình cụ thể triển khai ngay Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bức xúc; đơn giản và công khai thủ tục hành chính; loại bỏ giấy phép con không phù hợp; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khuyến khích khởi nghiệp, phát huy tự do sáng tạo, huy động mọi nguồn lực cho phát triển theo tinh thần của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp mới…

Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là nâng cao an toàn thực phẩm. Chính phủ tuyên chiến với nạn an toàn thực phẩm bẩn; giải quyết kiên trì, quyết liệt với tinh thần cao trước nhân dân. Bộ Y tế chủ trì, phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tốt các kỳ thi; tạo chuyển biến trong giáo dục-đào tạo ở các cấp.

Thủ tướng chỉ đạo ngành Tài nguyên và Môi trường rà soát các cơ sở lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, không chừa một cơ sở nào. Đồng thời các Bộ, ngành, địa phương hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng vì việc hải sản chết; xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng việc này gây rối. Phối hợp các Viện khoa học trong nước, mời các nhà khoa học nước ngoài vào cùng phân tích, tìm nguyên nhân; Bộ Công an điều tra, làm rõ vụ việc, không phân biệt đối tượng nào. Sớm có kết luận khách quan, khoa học, công bố công khai để dư luận hiểu rõ. Chính phủ yêu cầu các địa phương có biện pháp cấp bách bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho dân. Phòng chống thiên tai trên cơ sở tôn trọng hệ sinh thái. Nơi nào bị thiên tai, chính quyền phải có mặt ngay để giải quyết, hỗ trợ người dân.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành vùng xây dựng Chính phủ liêm chính, trong sạch. Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng. Các Bộ Quốc phòng, Công an theo dõi chặt tình hình, ngăn chặn kịp thời các hoạt động gây rối mất trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền an ninh quốc gia. Các cơ quan thông tin, truyền thông thông tin một cách khách quan, kịp thời, tạo đồng thuận trong dư luận xã hội…

Theo kế hoạch, ngày 5-5, Chính phủ tiếp tục phiên họp thường kỳ tháng 4 theo chương trình.

Tính đến ngày 20-4, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 4,54% so tháng 12-2015. Từ đầu năm đến ngày 15-4, tổng thu NSNN ước đạt 254,35 nghìn tỷ đồng, bằng 25,1% dự toán. Bốn tháng qua: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng tăng 7,3%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8%; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 52,87 tỷ USD, tăng 6%; tổng kim ngạch nhập khẩu ước 51,4 tỷ USD, giảm 1,2%; xuất siêu khoảng 1,46 tỷ USD, bằng 2,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; tổng vốn đầu tư FDI thực hiện ước đạt 4,65 tỷ USD, tăng 12%, tổng vốn FDI đăng ký ước đạt 6,89 tỷ USD, gấp 1,8 lần so cùng kỳ năm trước.

Bốn tháng đầu năm, có 34,7 nghìn DN thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 248,2 nghìn tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước, số DN tăng 22,9% (cùng kỳ tăng 9,7%), số vốn đăng ký tăng 52,8% (cùng kỳ tăng 13,3%). Đến cuối tháng 3-2016, đã cổ phần hóa được 27 DNNN và hai đơn vị sự nghiệp công lập; đã thoái vốn với giá trị theo sổ sách là 574,4 tỷ đồng, thu về 2.188,3 tỷ đồng, gấp bốn lần giá trị sổ sách.

Nguồn Báo Nhân Dân Online