Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng cao để quyết tâm thực hiện

Sáng 17-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những nội dung thuộc trách nhiệm của Thủ tướng liên quan đến các nhóm vấn đề đã chất vấn trong hai ngày qua. Đặc biệt, vấn đề kinh tế được nhiều đại biểu chất vấn và tranh luận.

Đại biểu Quốc hội chất vấn Thủ tướng sáng 17-11. Ảnh: THANH CHƯƠNG.

Đặt mục tiêu tăng trưởng cao để tạo việc làm

Về câu hỏi của đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) làm thế nào để đạt mục tiêu kinh tế cao như vậy, nhất là năm nay nhiều khó khăn, làm sao thực hiện được, Thủ tướng nói: “Chúng tôi rất đánh giá cao câu hỏi này vì chúng ta gặp rất nhiều khó khăn, đúng như vậy. Nhưng mà chúng ta không đặt chỉ tiêu cao như vậy, chúng ta không thể giải quyết việc làm cho nhân dân”.

Theo Thủ tướng, 1% GDP có thể giải quyết đến 300.000 lao động và đặc biệt xuất phát điểm của chúng ta, quy mô nền kinh tế của chúng ta còn quá thấp. Một nền kinh tế mà chưa tới 200 tỷ USD GDP, bình quân đầu người mới được trên 2000 USD là một cố gắng rất lớn. Thủ tướng cũng cho rằng, GDP quy mô nhỏ quá mà nợ công trên mức 65% GDP thì có thể nợ công vượt trần, rất nguy hiểm.

“Quốc hội thông qua mục tiêu tăng trưởng 6,7% GDP năm 2017 là một thách thức rất lớn đối với chúng tôi. Nhưng trong bối cảnh như vậy, chúng ta không có cách nào tốt hơn là phấn đấu”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo ông, các thành tố đầu tư, tiêu dùng, chi tiêu của Chính phủ, xuất khẩu phải cao để trừ nhập khẩu… cộng lại mới thành GDP. Trong bối cảnh này, Chính phủ sẽ bám vào các thành tố GDP để triển khai đồng bộ, nhất là tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn để người dân hăng hái đầu tư, tạo ra sản phẩm xã hội, tạo GDP gắn với việc làm thì mới đạt được mục tiêu tăng trưởng này.

Tự chủ về kinh tế cũng quan trọng với hội nhập

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng hỏi về biện pháp nào để độc lập tự chủ về nền kinh tế. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong thời đại mới Việt Nam hội nhập quốc tế rất sâu rộng, nhưng vấn đề độc lập, tự chủ nền kinh tế cũng được Đảng, nhà nước ta đặt ra.

Thủ tướng cho biết: “Độc lập về nền kinh tế trước hết là không phụ thuộc vào thị trường, không phụ thuộc vào đối tác trong tình trạng biến động những vấn đề lớn trong nền kinh tế như tiền tệ, năng lượng, lương thực”.

Thủ tướng đặt ra nhiều biện pháp để xây dựng nền kinh tế tự chủ trong đó có vấn đề tái cơ cấu ngành kinh tế, có xây dựng thể chế, kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa. Trong đó, cần phát triển các thế mạnh của Việt Nam như công nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, du lịch, công nghệ thông tin… để phát triển kinh tế. Mở rộng thị trường không phụ thuộc bất cứ thị trường nào.

Thủ tướng cho rằng: “Trước đây Bác Hồ nói không có gì quý hơn độc lập tự do, còn bây giờ tự chủ về kinh tế cũng rất quan trọng trong thời kỳ hòa bình hội nhập của đất nước Việt Nam”.

Chính phủ xây dựng liên kết theo hướng đó hội nhập mặt bằng nhưng luôn luôn chủ động tự chủ về kinh tế, độc lập về kinh tế một cách tương đối.

Xây dựng đề án quản lý nợ xấu

Chất vấn về tái cơ cấu kinh tế, đại biểu Lê Quân (Hà Nội) cho rằng: “Nợ xấu hiện vẫn như “cục máu đông” và là nguy cơ đối với nền kinh tế. Vậy đâu là biện pháp xử lý?”

Giải trình về nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, vấn đề nợ xấu hiện nay theo sổ sách kế toán chưa đầy đủ, đây là bài toán đặt ra cho nền kinh tế.

Về xử lý nợ xấu, Thủ tướng chỉ rõ, bên cạnh hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC), cần phải kiểm soát chặt chẽ không để phát sinh nợ xấu mới và cần minh bạch vấn đề nợ xấu và giải quyết nợ xấu. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng tự xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, bảo đảm công khai minh bạch, từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế. Tăng cường hiệu lực hiệu quả thanh tra, giám sát, xử lý căn bản tình trạng sở hữu chéo của các tổ chức tín dụng. Khẩn trương xử lý các ngân hàng thương mại đã mua lại 0 đồng và giám sát đặc biệt trên nguyên tắc phải bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, giảm thiểu rủi ro và an toàn hệ thống.

Thủ tướng cũng cho biết: “Chính phủ đang xây dựng đề án toàn diện xử lý nợ xấu, để làm “cục máu đông” này nhỏ đi, để điều hành nền kinh tế an toàn hơn”.

Cơ quan dân cử tham gia giám sát tài sản công

Cho rằng vấn đề sử dụng tài sản công lãng phí và kém hiệu quả, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đề nghị, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp gì để giải quyết vấn đề?

Công nhận vấn đề sử dụng tài sản công từ đất đai đến xe cộ, trụ sở còn nhiều hạn chế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ có Chỉ thị và đang thảo luận về dự thảo Luật Quản lý tài sản nhà nước.

Trước mắt, sẽ có hệ thống tiêu chuẩn định mức công bố công khai để người dân biết và theo dõi, Thủ tướng cho biết, cần có hình thức, như khoán kinh phí xe công và điều quan trọng nhất là đơn vị nào, cơ quan nào để lãng phí thì người đứng đầu chịu trách nhiệm trước cấp trên, trước nhân dân.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho rằng, việc giám sát của cơ quan dân cử cũng rất quan trọng. Đây là khâu yếu nên cần quan tâm nhằm đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Quyết tâm xây dựng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đề cập hạn chế của ngành du lịch dù được coi là ngành kinh tế mũi nhọn. Tới đây Thủ tướng có giải pháp đột phá gì để phát triển nền công nghiệp không khói này?

Về phát huy tiềm năng du lịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tinh thần của Chính phủ là quyết tâm xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Theo đó, biện pháp chính là xây dựng một cộng đồng làm du lịch văn minh, xây dựng thương hiệu du lịch lớn ở các vùng, phát huy các điểm đến ưu tiên, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong nhập cảnh để thu hút du khách nước ngoài, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực làm du lịch.

Nguồn Nhân dân