Chile giật thót vì động đất

Chile phải đón ngày độc lập (18-9) trong cảnh đường sá bị gián đoạn và giao thông công cộng giữa thủ đô Santiago và miền Bắc tạm ngưng hoạt động

Nối thêm danh sách thiên tai trong năm nay – bao gồm các vụ lũ lụt nghiêm trọng ở miền Bắc hồi đầu năm và núi lửa phun ở miền Nam- Chile vừa phải hứng chịu trận động đất mạnh 8,3 độ Richter tối 16-9 (giờ địa phương).

Tâm chấn ở ngay ngoài khơi bờ biển phía Bắc nước này, cách thủ đô Santiago khoảng 232 km về phía Tây Bắc, theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS). Đây là trận động đất mạnh nhất thế giới trong năm nay.

 

Tàu lớn bị sóng đánh văng lên đường phố ở TP Coquimbo. Ảnh: Reuters
Tàu lớn bị sóng đánh văng lên đường phố ở TP Coquimbo. Ảnh: Reuters

 

Người dân dọn dẹp đống đổ nát do động đất và sóng thần gây ra ở TP Concon. Ảnh: Reuters
Người dân dọn dẹp đống đổ nát do động đất và sóng thần gây ra ở TP Concon. Ảnh: Reuters

 

Tổng thống Chile Michelle Bachelet thăm TP Coquimbo hôm 17-9 sau động đất. Ảnh: Reuters
Tổng thống Chile Michelle Bachelet thăm TP Coquimbo hôm 17-9 sau động đất. Ảnh: Reuters

 

Khi trời sáng dần, nỗi sợ hãi về sự lặp lại thảm họa kép động đất – sóng thần hồi năm 2010 đã giảm bớt đối với người dân Chile. Các đợt sóng thần đã tràn vào nhưng có vẻ không quá lớn. Dù vậy, nhiều thị trấn ven biển vẫn ngập lụt, có nhiều nhà và tàu cá bị hư hại. Bị ảnh hưởng nặng nhất là các TP Coquimbo, Tongoy… Tại Conquimbo ghi nhận sóng thần cao đến 4,5 m, còn ở Tongoy là 2 m.

Cả 2 nơi này đều được công bố là vùng thảm họa và binh lính đang đến đây để ngăn cướp bóc. Tổng thống Michelle Bachelet đến thăm 2 thành phố này vào ngày 17-9. Phát biểu trên truyền hình trong đêm 16-9, bà cảm thán: “Một lần nữa chúng ta lại phải đương đầu với một cú đấm mạnh của thiên nhiên”.

Hơn 1 triệu người đã được sơ tán khỏi các khu vực ven biển. Trong khi 95% Conquimbo bị mất điện thì đã có hôi của tại Los Vilos.

Cô Jocelyn Tordecilla Jorquera, 35 tuổi, sống ở TP Los Vilos gần tâm chấn, kể với báo Guardian (Anh): “Trận động đất rất mạnh và xảy ra chừng 3 phút, lâu hơn nhiều so với bất kỳ trận động đất khác mà tôi từng trải qua, kể cả lần vào năm 2010. Qua cửa sổ, tôi thấy biển dâng lên cực nhanh. Tuy sóng không đánh vào sâu song lực của nó vẫn đủ sức phá hủy nhà cửa ở gần biển. Chúng tôi vội vã lao ra khỏi nhà, chạy bộ lên khu an toàn trên đồi. Mọi người cứ cắm đầu chạy mà không biết chuyện gì sẽ xảy ra”.

Đến sáng sớm 17-9, chính quyền Chile dỡ bỏ cảnh báo sóng thần – được ban hành không lâu sau động đất cho nhiều khu vực ở Nam Mỹ, Hawaii, California (Mỹ) và các đảo quốc trên Thái Bình Dương, New Zealand… Đây quả là một tin may mắn bởi hàng ngàn người Chile đang đổ về các vùng ven biển nhân tuần lễ mừng ngày độc lập 18-9.

 

Người dân hoảng sợ chạy ra đường ở thủ đô Santiago sau trận động đất Ảnh: REUTERS
Người dân hoảng sợ chạy ra đường ở thủ đô Santiago sau trận động đất Ảnh: REUTERS

 

Đợt sóng thần đầu tiên tràn vào bờ ở Chile sau trận động đất Ảnh: DAILY MAIL
Đợt sóng thần đầu tiên tràn vào bờ ở Chile sau trận động đất Ảnh: DAILY MAIL

 

Trận động đất tối 16-9 gây chấn động tại nhiều nơi khắp Nam Mỹ, từ Chile đến Argentina, Peru, Brazil… nhưng không có thương vong bên ngoài Chile. Bộ Nội vụ Chile ngày 17-9 thông báo có 11 người thiệt mạng, khoảng 20 người bị thương và 1 người mất tích.

Bên cạnh đó, hoạt động tại 2 khu mỏ đồng Andina và Los Pelambres phải tạm ngừng do bị ảnh hưởng bởi hàng chục cơn dư chấn. Điều này đẩy giá đồng trong ngày 17-9 lên cao, nguyên nhân là do Chile đóng góp 1/3 sản lượng đồng toàn thế giới.

Thương vong và thiệt hại có vẻ không nghiêm trọng cho thấy Chile rút được nhiều kinh nghiệm đắt giá trong 5 năm qua, theo báo The Washington Post.

Là một trong những nước hứng chịu động đất nhiều nhất thế giới, Chile bị thiệt hại nặng khi trận động đất mạnh 8,8 độ Richter tàn phá TP Concepction ở miền Trung hồi tháng 2-2010, gây ra sóng thần lớn làm 525 người thiệt mạng.

Giờ đây, các tòa nhà mới xây ở Chile có thể chịu được động đất 9 độ Richter và hệ thống cảnh báo sóng thần đi vào hoạt động. “Sự thực là các biện pháp giảm nguy cơ của Chile đang đi đầu thế giới” – bà Susan Hough, nhà địa vật lý tại USGS, nhận xét.

Nguồn NLĐ