Chiến đấu cơ Rafale đắt xắt ra miếng

Thời gian qua, Pháp liên tục giành được hợp đồng bán máy bay tiêm kích đa năng Rafale cho các nước châu Á.

Máy bay chiến đấu Rafale

Ngày 4/5 tại Thủ đô Doha của Qatar, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Pháp François Hollande và Quốc vương nước chủ nhà Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, Pháp đã ký hợp đồng bán 24 máy bay chiến đấu Rafale trị giá 6,4 tỷ USD cho quốc gia Trung Đông này.

Theo thỏa thuận trên, ngoài hợp đồng mua bán 24 máy bay Rafale, gồm 6 chiếc loại hai phi công điều khiển và 18 chiếc loại một phi công điều khiển, hai bên còn ký thỏa thuận mua tên lửa trang bị cho máy bay. Bên cạnh đó, Qatar còn có kế hoạch mua thêm 12 máy bay chiến đấu bổ sung.

Về phần mình, Pháp cam kết đào tạo phi công và chuyên viên kỹ thuật, cũng như huấn luyện sĩ quan trinh sát cho Qatar.

Đây là hợp đồng thứ ba xuất khẩu máy bay chiến đấu Rafale của Pháp cho nước ngoài, sau hợp đồng mua 24 chiếc Rafale của Ai Cập và 36 chiếc của Ấn Độ.

Giới chuyên gia đánh giá thương vụ lần này được xem là thành công lớn cho chính sách ngoại giao của chính quyền Paris, cũng như khẳng định được chỗ đứng của Pháp trên thị trường mua bán vũ khí thế giới.

Liên quan đến việc bán các máy bay chiến đấu hiện đại này, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius cho biết các cuộc đàm phán với Liên hiệp các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất cũng đang đi đúng hướng.

Bên cạnh đó, hai quốc gia Đông Nam Á là Malaysia, Indonesia cũng ngỏ ý muốn sở hữu tiêm kích đa năng số 1 của của Pháp hiện nay. Đồng thời, Pháp cũng đang tiếp tục thương thảo về siêu hợp đồng cung cấp 126 chiến đấu cơ Rafael cho Ấn Độ.

Được biết, máy bay tiêm kích đa năng Rafale là một trong những loại máy bay thế hệ 4++ (có thể đặt bao nhiêu dấu + cũng được) có công nghệ hiện đại nhất được sản xuất hàng loạt.

Về kỹ thuật, Rafale được trang bị các hệ thống điện tử hàng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nhà sản xuất tuyên bố, hệ thống chiến tranh điện tử Spectra sẽ giúp Rafale hoạt động an toàn dưới hỏa lực phòng không đối phương.

Với thiết kế khí động học khá ưu việt lại được sự hỗ trợ của cánh mũi, Rafale có thể thực hiện những pha quay ngoặt đột ngột trong không gian chật hẹp. Rafale còn có thể thực hiện động tác thao diễn “rắn hổ mang” ở trạng thái động cơ gần như không hoạt động.

Về khả năng thực chiến, Rafale từng xuất phát từ tàu sân bay Charles de Gaulle để thực thi nhiệm vụ không kích tại Libya. Trong cuộc chiến này, Rafale đã chứng tỏ khả năng tấn công mặt đất xuất sắc với các vũ khí dẫn đường công nghệ cao.

Bên cạnh đó chiến đấu cơ tân tiến này cũng đã chứng minh hiệu quả khi tham chiến ở các khu vực vùng núi Afganistan và khu vực rừng rậm Châu Phi (chiến dịch “Serval, Mali, 2013).

Mặc dù có kích thước khá khiêm tốn: dài 15,27m; sải cánh 10,8m; cao 5,34m; trọng lượng rỗng 9.060kg nhưng Rafale lại có khả năng mang theo tới 9,5 tấn vũ khí gồm: tên lửa không đối không, không đối đất, chống radar, không đối hạm, bom hàng không có điều khiển; tầm hoạt động đạt tới 1.800 km. Các thông số này của Rafale còn vượt trội cả tiêm kích hạng nặng Su-30 của Nga.

Nguồn Chính phủ