Châu Âu đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường mới nổi

Hôm nay, 4-11, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Cao ủy phụ trách nông nghiệp và phát triển nông thôn của Liên minh châu Âu (EU) Phil Hogan sẽ tham dự lễ khai mạc hội thảo kinh doanh tại khách sạn Sofitel Plaza tại TPHCM.

Cùng đi với ông Hogan là đoàn doanh nghiệp cấp cao của hơn 40 doanh nghiệp châu Âu, với mục đích đến Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội kinh doanh đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU dự kiến sẽ ký kết sớm.

Chất lượng cao, an toàn là điểm hấp dẫn người tiêu dùng của nông sản châu Âu

Lệnh trừng phạt làm khó EU

Sau Việt Nam, ông Hogan sẽ tới Singapore và Indonesia. Chuyến công du lần này của ông Hogan cho thấy EU mong muốn đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp của khối đối với các quôc gia đang phát triển. Điều này đã được thể hiện rõ trong khuôn khổ chương trình Chính sách nông nghiệp chung (PAC) của EU. Theo trang mạng EurActiv, EU đang nỗ lực khuyến khích xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sang các nền kinh tế mới nổi để có thể giúp các nhà xuất khẩu nông sản EU có được thị trường tiêu thụ  nông sản mới đầy hứa hẹn.

Lệnh trừng phạt của Nga đối với nông sản từ EU đã làm khó các nhà xuất khẩu nông sản của khối vốn đã chịu nhiều áp lực tại thị trường nội địa. Người nông dân và các hợp tác xã của khu vực này mất đi một thị trường xuất khẩu chính. Trong 3 năm 2013-2015, tổng kim ngạch thương mại song phương Nga-EU đã giảm hơn 163,4 tỷ EUR. Vì vậy, Ủy ban châu Âu (EC) đã tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu nông nghiệp trong trung hạn. Kết quả trong năm 2015, EU đã trở thành nhà xuất khẩu nông nghiệp lớn nhất thế giới với doanh số đạt 129 tỷ EUR. Cán cân thương mại quốc tế các sản phẩm nông nghiệp của EU đã đạt thặng dư tới 16 tỷ EUR, đưa kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này tăng 6% so với năm 2014.

Việt Nam – thị trường hấp dẫn

Theo dự đoán, thương mại quốc tế, đặc biệt là xuất khẩu đóng một vai trò ngày càng quan trọng đối với nền nông nghiệp EU, nhất là trong dài hạn. Trong những năm tới, nhu cầu về sản phẩm nông nghiệp tại thị trường châu Âu duy trì ổn định, trong khi đó các thị trường châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh lại tăng cao do dân số tăng và nhất là do thói quen tiêu dùng thực phẩm của tầng lớp trung lưu tại đây đang thay đổi. Người tiêu dùng có thu nhập khá tại những khu vực trên ngày càng quan tâm tới các tiêu chuẩn về chất lượng, độ an toàn và giá trị dinh dưỡng của thực phẩm và các sản phẩm của châu Âu đáp ứng được các yêu cầu khắt khe này.

Ông Marc Vanheuken, Đại sứ, Đại diện thường trực của EU tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đánh giá các thị trường Trung Quốc, Mỹ và Thụy Sĩ, cũng như những thị trường mới như Australia, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất hay Việt Nam là những địa chỉ hấp dẫn cho các sản phẩm nông nghiệp châu Âu. Ông Mansel Raymond, một đại diện của Công đoàn nông dân châu Âu (Copa-Cogeca), cho biết lượng cầu các sản phẩm từ sữa, nhất là pho mát đã tăng 20%-30% tính từ đầu năm, chủ yếu nhờ vào các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Trung Đông, và khẳng định tiềm năng của thị trường Trung Quốc đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa. Trong khi đó, một số thị trường quan trọng đã dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu, tạo điều kiện cho một số sản phẩm thịt châu Âu xuất khẩu trở lại như: Trung Quốc đã dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến virus Schmallenberg, vốn làm thiệt hại cho xuất khẩu sản phẩm thịt bò và thịt cừu của Đức, Pháp, Anh và Đan Mạch, hay Nhật Bản cho phép tiếp tục nhập khẩu bò Đan Mạch và Italia.

Nguồn SGGP