Châu Á rộn ràng không khí đón năm con rắn

Không khí đón năm con rắn đang ngập tràn tại nhiều quốc gia ở châu Á, từ đường phố, công viên đến các khu chợ. Người dân háo hức chuẩn bị cho một năm mới đang đến gần với niềm vui rộn ràng đang hiển hiện khắp nơi, từ Việt Nam, Trung Quốc tới Singapore, Hàn Quốc.

  • Vất vả chuyện về quê và giá cả tăng

Thời điểm này, ở một số nước, vùng lãnh thổ khác của châu Á, nơi có nhiều người gốc Hoa sinh sống, không khí chào đón năm mới cũng đã rộn ràng. Đối với Trung Quốc, năm nào cũng vậy, chuyện về quê ăn tết của người dân ở đất nước đông dân nhất thế giới này cực kỳ gian nan. Ước tính, số lượt người Trung Quốc đi xa trong dịp Tết Quý Tỵ 2013 đạt mức kỷ lục 3,41 tỷ.

China Daily ngày 6-2 đưa tin một một thanh niên Trung Quốc phải đi 48 lượt xe buýt, một chuyến phà và cả đi bộ vài kilômét từ ngày 27-1 đến 2-2 cho chặng đường 660km qua 10 thành phố mới về được tới nhà. Câu chuyện này minh họa cho hình ảnh gian nan phổ biến vào dịp tết của Trung Quốc. Đã có khoảng 60 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông khi đang trên đường về quê đón năm mới.

Sắc đỏ ngập tràn các khu chợ một số nước châu Á có cộng đồng người Hoa sinh sống.

Năm nay, người dân Trung Quốc không biết vui hay buồn nhiều hơn vì giới chức thành phố Bắc Kinh có thể cấm bắn pháo hoa trong những ngày tới để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm không khí nặng nề trong dịp tết cổ truyền. Kết quả một cuộc thăm dò ý kiến trên mạng xã hội Sina Weibo cho thấy 85% người dân ủng hộ lệnh cấm bắn pháo hoa trong khoảng thời gian trước và sau tết cổ truyền. Cảnh sát giao thông hiện đã được yêu cầu phải đeo khẩu trang.

Người dân Hàn Quốc đón năm con rắn với tin vui khi ngày 6-2, chính phủ nước này loan báo sẽ cật lực ngăn chặn nạn tăng giá thực phẩm và các dịch vụ cá nhân cũng như công cộng để ngăn chặn nguy cơ lạm phát nhằm ổn định tình hình kinh tế. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cảnh báo, giá thực phẩm sẽ tiếp tục tăng trong năm 2013 một phần cũng bị tác động bởi việc mua sắm cho mùa lễ hội năm mới ở châu Á.

  • Giữ gìn nét truyền thống

Nhiều nước như Singapore, Malaysia, Mông Cổ, CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc… đón năm mới theo lịch âm với nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo. Đối với người Hàn Quốc, Seollal – Tết Hàn Quốc kéo dài trong 3 ngày được coi là quan trọng hơn hẳn ngày đầu năm Dương lịch dù Seollal cũng còn được dùng để chỉ Tết Tây. Ngày năm mới (mồng 1 Tết) là ngày nghỉ quan trọng nhất theo truyền thống Hàn Quốc và bắt đầu mùa lễ hội. Khác với màu đỏ truyền thống của người Trung Quốc, người Hàn Quốc mặc hanbok (trang phục truyền thống) với nhiều màu sắc. Con cái đến thăm cha mẹ và tiến hành nghi lễ cúng bái tổ tiên vào buổi sáng.

Tại một số nước châu Á, hoạt động chuẩn bị cho các sự kiện văn hóa, lễ hội chào đón Năm mới Quý Tỵ cũng đang được khẩn trương thực hiện. Tại Indonesia, ngày 3-2 vừa qua, người dân ở Surakarta, Trung Java (Solo) đã tổ chức lễ hội Grebeg Sudiro mà người dân địa phương gọi là Imlek một tuần trước khi bắt đầu năm mới con rắn, bắt đầu từ ngày 10-2 tới (tức mùng một tháng giêng AL).

Hàng ngàn người thuộc cộng đồng người Hoa đã tụ về ngôi chợ Gedhe từ 11 giờ để tham gia lễ hội, tượng trưng cho sự giao thoa văn hóa giữa người Indonesia gốc Hoa và cộng đồng địa phương. Người ta bày bán các món ăn địa phương của người Hoa và phóng sinh 888 con chim và 888 con cá để cầu nguyện sự tốt đẹp. Cộng đồng người Hoa ở Indonesia chỉ bắt đầu tổ chức lễ tết truyền thống ở nơi công cộng vào năm 2000 khi Tổng thống Indonesia Abdurrahman Wahid hủy bỏ một sắc lệnh do cựu Tổng thống Suharto ban hành vào năm 1967, trong đó cấm người Hoa tổ chức ăn tết dân tộc trong cộng đồng.

Tại Malaysia, ngôi sao Psy nổi đình đám của điệu “Gangnam Style” sẽ tung hoành mùa tết bắt đầu vào ngày 11-2 tới. Giới chức bang Penang hy vọng sự kiện này sẽ thu hút khoảng 60.000 du khách từ Thái Lan và các bang khác đến Malaysia. Đây là lần đầu tiên Psy đến Malaysia.

Nói lời chia tay với “con rồng”, người dân châu Á sắp chào đón “con rắn” thông minh và bí ẩn.