CDC Tiền Giang triển khai hoạt động chăm sóc và phòng ngừa bệnh “Võng mạc đái tháo đường”

(THTG) Nhằm tăng cường sự tiếp cận của người dân đối với dịch vụ khám sàng lọc đáy mắt đối với bệnh nhân đái tháo đường và công tác truyền thông phòng ngừa bệnh “Võng mạc Đái tháo đường”, qua đó cung cấp kiến thức giúp người dân phát hiện sớm các biến chứng về mắt do bệnh đái tháo đường gây nên.

Tại Tiền Giang được sự hỗ trợ Tổ chức Orbis quốc tế tại việt nam phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tiền Giang tổ chức truyền thông thảo luận nhóm về chăm sóc và phòng ngừa võng mạc Đái tháo đường. Theo kế hoạch của CDC trong tháng 04 có 30 cuộc với trên 400 người dân cư trú ở tổ, khu phố tại các xã, phường thuộc TP Mỹ Tho tham dự.

DTD

Bác sĩ trao đổi với người dân về bệnh Đái tháo đường và Võng mạc Đái tháo đường tại Khu phố 4, phường 4

Theo đó, tại mỗi địa điểm thảo luận nhóm người dân được các bác sỹ CDC chia sẻ về nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa bệnh võng mạc Đái tháo đường và hướng dẫn chuẩn đoán.

Theo các bác sĩ, nguy cơ bệnh Võng mạc đái tháo đường phụ thuộc nhiều yếu tố như: Thời gian bị đái tháo đường, mức độ đường máu và các yếu tố khác như tăng huyết áp, tăng lipid máu, bệnh thận, có thai, các phẫu thuật trong nhãn cầu có thể làm tăng nguy cơ và mức độ trầm trọng của bệnh Võng mạc đái tháo đường… Bệnh Võng mạc đái tháo đường diễn ra âm thầm trong thời gian dài, người bệnh vẫn có thể nhìn tốt mặc dù thị lực đang bị đe dọa. Phát hiện sớm các tổn thương ở đáy mắt sẽ giúp xử trí kịp thời và ngăn ngừa tiến triển của biến chứng.

DTD 1

Quang cảnh thảo luận nhóm tại Phường 10

Sau mỗi điểm thảo luận nhóm, các bác sĩ khuyên người bệnh: Ở giai đoạn sớm, bệnh võng mạc đái tháo đường không có triệu chứng khám đáy mắt mỗi năm ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 ngay lúc mới chẩn đoán và sau đó mỗi năm bởi bác sĩ chuyên khoa mắt. Đối với bệnh nhân đái tháo đường type 1, khám đáy mắt 5 năm sau khi chẩn đoán. Nếu glucose huyết ổn định tốt, huyết áp không cao, không có bất thường mỡ máu, có thể khám lại đáy mắt sau 2-3 năm. Nếu bệnh nhân đái tháo đường có thai, cần khám đáy mắt thường xuyên vì thai kỳ dễ làm tổn thương mạch máu ở đáy mắt. Ngoài ra, cần điều trị tốt nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ bằng cách ổn định glucose huyết tốt, HbA 1c <7%, luyện tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần, ăn uống điều độ, theo đúng chỉ dẫn, uống thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Điều trị tốt huyết áp, giảm muối trong khẩu phần. Điều trị tốt rối loạn chuyển hóa lipid; ngưng hút thuốc,…

 Thanh Hoàng – CDC Tiền Giang