Cảnh giác với những bệnh trẻ dễ mắc trong dịp Tết

Tết đến là thời điểm trẻ thường được cha mẹ cho về quê hoặc đi chơi xa. Đây cũng là thời điểm xáo trộn lịch trong sinh hoạt, từ đồ ăn, thức uống đến giờ giấc nghỉ ngơi của trẻ… Đây cũng chính là nguyên nhân dễ khiến trẻ mắc các bệnh thông thường.

Dưới đây là một trong số những căn bệnh trẻ dễ mắc phải trong dịp Tết:

Cảm cúm

Triệu chứng ban đầu của bệnh là ngứa họng, sổ mũi, hắt hơi, đau đầu, sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn. Khi bị cảm lạnh, trẻ hay khò khè, sổ mũi, nước mũi có thể chuyển từ dạng lỏng có màu trong sang đặc hơn màu vàng hoặc xanh. Với cảm lạnh thông thường, trẻ sẽ tự khỏi trong vòng một tuần. Khi trẻ có những triệu chứng nặng hơn như ho đờm, thở gấp, sốt cao kéo dài, đau tai…phụ huynh nên đưa bé đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Để phòng ngừa bệnh này, cần đảm bảo giữ ấm cho trẻ, chú ý giữ vệ sinh, nhất là sau khi hỉ mũi. Không để trẻ tiếp xúc với người đang bị cảm. Không nên để trẻ ở gần người đang hút thuốc vì nếu họ bị cảm, virus rhino có thể phát tán ra ngoài theo khói thuốc và lây bệnh cho bé.

Viêm họng cấp

Trẻ em bị viêm họng sẽ bị đau họng khi nuốt. Tiếng khóc hoặc trẻ đã biết nói thì khàn tiếng. Nguyên nhân viêm họng ở trẻ em là do vi khuẩn liên cầu tan máu beta nhóm A. Bệnh viêm họng nếu bố mẹ không chữa trị dứt điểm có thể gây ra biến chứng bệnh thấp tim.

Hen suyễn

Thỉnh thoảng trẻ ngáy là bình thường, nhưng nếu xảy ra nhiều hơn 4 lần trong một tuần, cha mẹ nên nghĩ đến khả năng trẻ bị hen suyễn. Khi bị hen suyễn, bé sẽ thở khò khè dù không bị bệnh hay có vấn đề về xoang. Một số bệnh nhi hen suyễn chỉ có biểu hiện duy nhất là ho, đặc biệt là vào thời điểm nửa đêm và về sáng.

Không khí lạnh mùa Tết càng làm cho tình trạng hen suyễn trở nặng. Ngoài ra, khi đi du xuân cùng gia đình, tiếp xúc với khói bụi cũng khiến bé khó chịu hơn. Để phòng những cơn hen bất thường, cha mẹ nên chú ý giữ ấm, cho trẻ tiếp xúc ngay với không khí ấm sau khi tắm. Hạn chế những yếu tố gây khởi phát cơn suyễn như các hóa chất gây mùi trong nhà, khói thuốc lá, không tiếp xúc với thú nuôi, khói bụi, giữ nhà cửa sạch sẽ, tránh những loại thức ăn trẻ dễ gây dị ứng như hải sản.

Viêm phế quản, biến chứng viêm phổi

Viêm phế quản có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, thường sau khi thay đổi thời tiết hoặc bị viêm họng, viêm mũi do không chữa trị hiệu quả kịp thời hoặc theo diễn tiến của bệnh… Nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh chỉ sổ mũi trong, ho nhẹ nhưng có thể giảm tính hiếu động ở trẻ. Nếu tình trạng này kéo dài, không điều trị đúng, trẻ dễ bị nhiễm trùng lan rộng và sâu hơn vào phế quản phổi, phế nang và nhu mô phổi rất nguy hiểm với các triệu chứng sốt cao, ho khạc, ho đàm đặc, có màu xanh hoặc vàng, nằm li bì.

Tiêu chảy, táo bón

Ăn quá nhiều loại các loại thịt để qua đêm là nguyên nhân chính gây ra tình trạng tiêu chảy, táo bón. Thời điểm Tết, bố mẹ lơ là, trẻ được thỏa sức thưởng thức các loại nước uống có gas, thức ăn nhanh mà không ăn rau quả, không chú ý về vấn đề vệ sinh cũng dễ gây tiêu chảy. Bên cạnh thói quen ăn uống thiếu cân bằng, việc trẻ nhịn đi tiêu khi đến nơi lạ hoặc phải ngồi bồn cầu không quen cũng là nguyên nhân gây táo bón.

Để phòng các rối loạn tiêu hóa thường gặp này, cha mẹ cần lưu ý kiểm soát thức ăn trẻ nạp vào, hạn chế thực phẩm chiên nhiều dầu mỡ, các loại chả, xúc xích, tránh ăn thức ăn để qua đêm, giữ tay luôn sạch sẽ. Khi con không đi tiêu được như bình thường, phụ huynh nên hỏi xem bé có vấn đề gì không nhằm tránh tình trạng nhịn đi tiêu dẫn đến táo bón nặng.

Tay chân miệng

Tay chân miệng là bệnh dễ lây khi trẻ đến nơi công cộng, nhất là những khu vui chơi trong ngày Tết. Bệnh có thể lây qua những giọt dịch tiết từ đường hô hấp, qua các bề mặt nhiễm bẩn. Cha mẹ cần nhận biết những triệu chứng sớm của bệnh là trẻ sốt cao (từ 38 đến 39 độ C), chán ăn, ho, viêm họng, đau bụng. Thường sau 1, 2 ngày sẽ có dấu hiệu loét miệng, nổi nốt ban, mụn nước trên tay, chân. Khi đó cần đưa trẻ đến khám bác sĩ ngay.

Để phòng ngừa bệnh này, cách tốt nhất là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn. Khi đi bên ngoài, cần đảm bảo cho trẻ ăn đủ dinh dưỡng để tăng sức để kháng, tránh dùng tay bốc, ngậm mút thức ăn, tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.

– Nên chú ý bổ sung vào chế độ dinh dưỡng của trẻ từ nguồn thực phẩm, ngoài ra nên bổ sung vitamin để ngăn ngừa cảm cúm, hỗ trợ tăng cường sức đề kháng toàn diện cho cơ thể.

– Luôn giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, cần đảm bảo chế độ lưu thông không khí tốt.

– Với trẻ nhỏ, đêm lạnh nên cho trẻ mặc quần áo ấm, trưa nóng có thể cởi bớt ra. Không mặc nhiều, dày vì mồ hôi toát ra thấm ngược, gây ốm sốt. Tránh loại áo liền quần thít vào ngực khiến khó thở.

– Nếu trẻ ốm sốt vẫn cần lau rửa, tắm giặt, vệ sinh mũi họng, cơ thể hàng ngày cần sạch sẽ.

Nguồn Gia đình