Cảnh báo tác hại của hiện tượng axit hóa đại dương đối với nền kinh tế thế giới

Một báo cáo vừa được Liên hợp quốc công bố khẳng định rằng, nền kinh tế thế giới sẽ có thể thiệt hại tới 1.000 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn từ nay đến hết thế kỷ này, nếu các biện pháp khẩn cấp không được áp dụng để ngăn chặn hiện tượng axit hóa các đại dương.

Các đại dương có khả năng hấp thụ đáng kể lượng khí CO2 phát thải ra môi trường
(Ảnh: Khánh Linh)

Ông Salvatore Arico, quan chức phụ trách các vấn đề đa dạng sinh học của UNESCO tuyên bố cho biết: “Trong bối cảnh các hệ sinh thái không hoạt động một cách bình thường, chúng cung cấp ít chức năng cần thiết hơn và ít lợi ích hơn. Trong trường hợp của các rạn san hô, những hệ sinh thái này là rất cần thiết đối với các sinh kế ở nhiều nơi trên thế giới, song lại bị ảnh hưởng đáng kể”.

Axit hóa đại dương bắt nguồn từ việc giảm độ pH của các đại dương trên thế giới, gây ra bởi sự gia tăng lượng khí thải carbon dioxide do hoạt động của con người.

Từ trước đến nay, các đại dương chính là tầng đệm cho sự biến đổi khí hậu nhờ khả năng hấp thụ hầu như gần 1/3 phát thải CO2 trên toàn thế giới. Các đại dương là bể hấp thụ carbon, nhưng sự hấp thụ quá mức CO2 từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch của con người đã phải trả một giá đắt, đó là quá trình axit hóa ở các đại dương.

Báo cáo nhấn mạnh rằng, điều này sẽ xảy ra với mức độ chưa từng có, đe dọa đa dạng sinh học biển với những hậu quả tai hại đối với các loài khác, bao gồm cả con người./.

Nguồn ĐCSVN