- Nông dân Tân Phước phấn khởi do giá khóm ở mức cao, từ 7.000đ- 9.000/ký. - Giá USD liên tục tăng kịch trần, NHNN sẵn sàng can thiệp. - Vụ ‘tịnh thất Bồng Lai’: Ông Lê Tùng Vân bị khởi tố thêm tội loạn luân. - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung bị Bộ Chính trị kỷ luật khiển trách. - Đề xuất nâng thời gian kê đơn thuốc cho bệnh mạn tính 60 ngày/lần. - Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển đổi 43 ha rừng làm đường ven biển - Tổ chức Y tế Thế giới WHO sơ tuyển vaccine tả Euvichol-S vào ngày 19/4, nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm vaccine. - Đề nghị khai trừ Đảng cựu bí thư Quảng Ngãi Lê Viết Chữ. - Ngân hàng Nhà nước dự kiến tổ chức phiên đấu thầu vàng vào ngày 22-4. - TP Cần Thơ: Sụt lún kho lương thực, ước thiệt hại 10 tỷ đồng. - Bí thư Quận 8 làm Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM...

Cần tiếng nói thống nhất, mạnh mẽ về biển Đông

Cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd đánh giá mục tiêu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc về lâu dài không thay đổi, song cách tiếp cận có chút dịch chuyển

Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 13 với chủ đề “Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn” diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 18 và 19-11. Hội thảo do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, có sự tham dự trực tiếp của hơn 180 đại biểu cùng hơn 400 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến, trong đó có gần 60 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ 30 quốc gia trên các châu lục, 90 đại biểu từ các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam (bao gồm 15 đại sứ).

Trung Quốc tự đánh mất uy tín

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhận định trong một năm qua, tình hình biển Đông vẫn tiềm ẩn những mối lo ngại mới. Trong khi đó, các chuyên gia đánh giá biển Đông với vai trò chiến lược trong khu vực và thế giới đã chứng kiến nhiều tranh chấp trong quá khứ cũng như hiện tại.

Ông Dereck Grossman, chuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao tại Tổ chức RAND (Mỹ), cho rằng chính sách của Trung Quốc ở biển Đông đang gây ra nhiều hậu quả với uy tín của chính nước này trong khu vực cũng như trên thế giới. Trong hơn 1 thập kỷ qua, sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở biển Đông đã gây ra mối lo ngại cho nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực. “Đường 9 đoạn” lần đầu được đưa lên diễn đàn Liên Hiệp Quốc trong công hàm ngày 7-5-2009 của Trung Quốc, tuyên bố chủ quyền với hơn 90% diện tích biển Đông, đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Cần tiếng nói thống nhất, mạnh mẽ về biển Đông - Ảnh 1.

Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 13 với chủ đề “Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn” diễn ra hôm 18-11 Ảnh: TUẤN ANH

Theo chuyên gia Grossman, trong thời gian qua, cùng với sự vươn lên về kinh tế, Trung Quốc gia tăng cả về sức mạnh quân sự. Rủi ro từ sự trỗi dậy của Trung Quốc gây ra nhiều mối đe dọa, đặc biệt khi Bắc Kinh tiến hành xây dựng và bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Tháng 1-2021, Trung Quốc công bố Luật Hải cảnh mới, cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ khí đối với tàu nước ngoài trong trường hợp cần thiết. Động thái mới nhất này của Trung Quốc gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực, vi phạm luật pháp quốc tế, cản trở các cuộc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) và làm gia tăng vòng xoáy căng thẳng ở biển Đông.

ASEAN cần phối hợp, đoàn kết

Ông Dereck Grossman cho rằng COC được đàm phán thảo luận trong 25 năm qua song chưa thể đi đến ký kết bởi hành vi của Trung Quốc đi ngược với quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông. Gần đây, Trung Quốc đã thay đổi cách tiếp cận mang tính ngoại giao hơn nhưng ông Grossman nhận định điều này vẫn không thể thay đổi những vấn đề cốt lõi. Đồng quan điểm, cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd đánh giá mục tiêu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc về lâu dài không thay đổi, song cách tiếp cận có chút dịch chuyển. Thay vì độc đoán, cưỡng ép như trước đây, Bắc Kinh hiện đã chuyển hướng sang phương thức ngoại giao hơn, như đang xúc tiến các thỏa thuận song phương với các nước trong khu vực để cùng thăm dò và khai thác tài nguyên.

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natelegawa khẳng định ASEAN đã và đang nỗ lực đưa ra những giải pháp toàn diện, cố gắng quản lý và kiểm soát những xung đột tiềm năng, không làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Theo ông Grossman, năm 2022, ASEAN cần thảo luận trọng tâm về các giải pháp ở biển Đông nhằm giải quyết các vấn đề dựa trên luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, ông Rudd nhấn mạnh ASEAN rất cần sự đoàn kết, đưa ra tiếng nói của tập thể. “Sức mạnh đàm phán với tư cách một khối rất quan trọng. Mỗi quốc gia trong ASEAN cần phối hợp, đoàn kết, đưa ra tiếng nói chung mạnh mẽ hơn” – ông Rudd lưu ý. Cũng theo cựu Thủ tướng Úc, sự đoàn kết và thống nhất trong cả 10 nước ASEAN còn giúp bảo đảm việc tuân thủ và thực thi đầy đủ các công cụ luật pháp quốc tế, đặc biệt UNCLOS 1982, theo đó không chỉ đóng góp vào sự thống nhất và đoàn kết của khối mà còn mang lại tương lai bền vững và ổn định trong khu vực.

Duy trì, bảo vệ môi trường biển

Trong 2 ngày 16 và 17-11, Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) lần thứ 11 và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF) lần thứ 9 đã được tổ chức trực tuyến dưới sự chủ trì của nước Chủ tịch ASEAN năm 2021 là Brunei. Diễn đàn có sự tham dự của đại diện các nước ASEAN, đối tác cùng nhiều chuyên gia, học giả uy tín khu vực và quốc tế.

Phát biểu tại các diễn đàn, ông Vũ Hồ, Trưởng đoàn Việt Nam, nhấn mạnh trong bối cảnh các nước cần tập trung phục hồi sau tác động nặng nề của dịch bệnh, Việt Nam chia sẻ tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, sự cần thiết của đối thoại, tham vấn, tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, cũng như đề cao tinh thần trách nhiệm và thiện chí của các nước trong việc thực hiện cam kết. Ông Vũ Hồ đặc biệt nhấn mạnh sự cấp thiết của việc duy trì và bảo vệ môi trường biển, đề nghị coi đây là một chủ đề thường xuyên trong các trao đổi về biển trong khu vực thời gian tới.

Trước diễn biến phức tạp trên biển Đông, Việt Nam khẳng định lại lập trường nguyên tắc, nhấn mạnh lợi ích và trách nhiệm của các nước trong phấn đấu xây dựng biển Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác và ổn định.

Nguồn NLĐ

0 Bình luận

Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.

Gửi bình luận

 


 
*