Cần nhận thức lại về nguy cơ khủng bố

1

Thắp nến tưởng niệm các nạn nhân trước sân bay Brussels tối 23-3-2016. (Nguồn: Getty Images)

Chưa đầy năm tháng sau vụ khủng bố đẫm máu tại Paris, Pháp, ngày 13-11-2015, thế giới lại rúng động bởi các vụ đánh bom tại thành phố Brussels của Bỉ, ngày 22-3-2016, và Lahore của Pakistan vào ngày Lễ Phục sinh 27-3-2016, khiến hàng trăm người chết và bị thương. Một câu hỏi nhức nhối, đã xuất hiện không ít lần từ sau sự kiện bi thảm 11-9-2001, lại một lần nữa vang lên – Tại sao những vụ thảm sát kinh hoàng này vẫn tiếp tục xảy ra, phải chăng cộng đồng quốc tế không thể ngăn chặn được vấn nạn khủng bố?
Thực tế không thể phủ nhận, trong suốt 15 năm qua, rất nhiều biện pháp đã được các quốc gia thực hiện nhằm đối phó với khủng bố quốc tế và kết quả thu được không phải là ít.Trước hết đó là các biện pháp quân sự nhằm tiêu diệt các lực lượng khủng bố. Đó là các chiến dịch quân sự “tìm – diệt” tổ chức khủng bố Al Qaedda của Mỹ, như tại Afghanistan và Iraq. Kết quả là sau đúng 10 năm, Mỹ cũng tiêu diệt được trùm khủng bố Osama bin Laden (tháng 5-2011), buộc tổ chức khủng bố khét tiếng này phải phân tán thành các nhóm nhỏ, ẩn náu tại một số quốc gia Trung Đông – Bắc Phi. Sau ngày 13-11-2015, Pháp cũng phải huy động hơn 10 nghìn cảnh sát và nhân viên an ninh để thực hiện các chiến dịch vây ráp, truy lùng, đến ngày 18-3-2016 đã bắt được nghi can chính Salah Abdeslam. Điển hình nhất có lẽ phải là chiến dịch không kích của rất nhiều quốc gia nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria và Iraq. Từ tháng 8-2014 đến nay, hàng nghìn đợt ném bom với cường độ cao đã tiêu diệt được một số thủ lĩnh cũng như nhiều cơ sở quân sự của IS. Đồng thời, dưới sự yểm trợ của các đợt không kích này, quân đội của Iraq và Syria cũng đang giành lại từng phần lãnh thổ bị IS chiếm đóng, như thành phố Ramada, Palmyra.

Biện pháp thường nhật mà các nước phải tiến hành đó là những chiến dịch điều tra nhằm ngăn chặn sớm các âm mưu khủng bố. Đơn cử như vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt được nghi can Emanuel L. Lutchman (ngày 31-12-2015), tên này dự định sẽ tấn công vào đám đông dự lễ đón giao thừa tại New York. Hay như tại Jakarta (Indonesia), chỉ vài ngày sau các vụ đánh bom và nổ súng tại Jakarta (ngày 14-1-2016), lực lượng cảnh sát nước này đã triệt phá được ba âm mưu khủng bố khác, ở ba địa điểm khác nhau.

Những biện pháp nhằm thay đổi môi trường dễ phát sinh, nuôi dưỡng các phần tử cực đoan cũng đã được chú ý, như viện trợ cho các nước đang phát triển nhằm xóa đói, giảm nghèo hay ngăn chặn những tư tưởng bài Hồi giáo v.v. Ngoài mục đích nhân đạo, có lẽ chính vì hy vọng có thể dùng sự bao dung để hóa giải hận thù mà các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) mới đủ dũng cảm tiếp nhận một số lượng lớn người di cư từ Trung Đông đến vậy (kể từ giữa năm 2014 đến nay, EU đã tiếp nhận gần hai triệu người, chủ yếu đến từ Syria). Bởi lẽ, đây là điều kiện quá tốt cho các phần tử khủng bố lợi dụng để xâm nhập vào châu Âu.

Nghịch lý ở chỗ, dù đã nỗ lực như vậy, có thể nói là hầu như tất cả những gì cần làm thì các nước cũng đã cố gắng làm nhưng các vụ khủng bố vẫn tiếp tục xảy ra, thậm chí ngày càng nguy hiểm hơn.

Vẫn biết ngăn chặn những tên tội phạm khủng bố là một vấn đề vô cùng nan giải, bởi chúng ở trong bóng tối và lại thường gây án tại những nơi mà khả năng phòng chống yếu nhất. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta bất lực và đành chấp nhận ở thế bị động. Những vụ khủng bố trong hơn một năm qua, bắt đầu từ vụ xả súng tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo (7-1-2015) đến vụ đánh bom tại Lahore (27-3-2016) cho thấy, sở dĩ các hoạt động khủng bố ngày càng táo tợn và manh động đến vậy, trước hết là bởi từ những hạn chế trong cuộc chiến chống khủng bố của chính cộng đồng quốc tế.

Trên thực tế, điều này đã được EU thừa nhận. Sau vụ đánh bom tại Brussels (22-3-2016), lãnh đạo của các nước EU cũng đã chỉ rõ những khiếm khuyết trong hệ thống an ninh của EU, như sự thiếu nhất quán trong phối hợp giữa các nước thành viên mà yếu kém nhất là trong công tác chia sẻ thông tin tình báo, hay những bất cập trong việc kiểm soát dòng người nhập cư cũng như những yếu kém trong việc giúp những người gốc Phi hòa nhập với xã hội châu Âu v.v. Giới chức an ninh EU lo ngại, những vụ khủng bố tương tự như Paris hay Brussels sẽ còn tiếp tục nếu EU không mau chóng thành lập được một liên minh an ninh.

Đương nhiên, trước thực trạng khủng bố hiện nay một mình EU thay đổi là chưa đủ. Để cuộc chiến chống khủng bố có hiệu quả hơn, đã đến lúc cộng đồng quốc tế cũng cần có sự thay đổi mạnh mẽ hơn trong nhận thức về vấn nạn này.

Trước hết, mức độ nguy hiểm của nguy cơ khủng bố cần phải được đặt lên mức báo động cao nhất trong chính sách an ninh của mọi quốc gia. Trong thời gian qua, các vụ khủng bố dường như vẫn được mặc định chủ yếu là nhằm vào các nước phương Tây. Những vụ khủng bố tại Tunisia, Ai Cập, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Pakistan v.v., rõ ràng đã khiến quan niệm này trở nên lạc hậu. Giờ đây, bất cứ nước nào, bất cứ tôn giáo nào (kể cả Hồi giáo) cũng có thể trở thành đối tượng của bọn khủng bố. Đáng lo ngại hơn, IS đã không dừng lại ở việc chiêu mộ các tín đồ cực đoan mà bắt đầu chú ý đến cả những tên tội phạm thông thường, thậm chí là cả những người dân bình thường có đôi chút mặc cảm với xã hội. Qua tài liệu thu được của những nghi can tại Bỉ, điều đáng báo động nhất hiện nay chính là nguy cơ sử dụng bom bẩn có chất giàu phóng xạ hay sinh học của các nhóm khủng bố.

Tiếp theo, cần có sự tiếp cận mới đối với công tác quản lý của mỗi chính phủ. Hiện nay, ngoài số công dân của chính mình, một số lượng người không nhỏ đến từ rất nhiều nơi trên thế giới đã khiến cho công việc sàng lọc, theo dõi các đối tượng tình nghi trở thành một nhiệm vụ vô cùng khó khăn đối với bất cứ quốc gia nào. Đơn giản bởi nguồn lực không đủ đáp ứng cộng với những rào cản pháp lý, như quyền bảo đảm riêng tư cá nhân hay quyền đi lại tự do v.v. Trong bối cảnh đó, công tác quản lý nhân khẩu cần phải đặt trong tình trạng đặc biệt. Việc quản lý, kiểm soát các phương tiện có thể giúp các lực lượng khủng bố gây án cũng cần có sự đổi mới, trước hết là các vật liệu hạt nhân.

Theo thông báo của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), hiện có khoảng 1.800 tấn chất giàu phóng xạ, như uranium và plutonium, được cất giữ tại hàng trăm cơ sở của khoảng 25 quốc gia. Tháng 6-2011, vụ cảnh sát Moldova bắt được sáu đối tượng đang tìm cách bán hơn 1 kg uranium-235 đã dóng lên hồi chuông cảnh báo về khả năng thất thoát loại nguyên liệu có thể chế tạo bom bẩn vào tay các nhóm khủng bố. Tuy nhiên, kể từ sau vụ việc này, có vẻ như công tác quản lý vẫn không mấy thay đổi, bằng chứng là tháng 12-2014, cảnh sát Moldova lại bắt được bảy nghi can nhập lậu uranium và thủy ngân từ Nga. Chính vì thế, cộng đồng quốc tế hy vọng cam kết tăng cường kiểm soát vật liệu hạt nhân của 52 nước tham gia Hội nghị cấp cao An ninh hạt nhân lần thứ tư tại Washington, Mỹ (từ ngày 31-3 đến 1-4-2016) sẽ là điểm khởi đầu mới cho công tác quản lý loại nguyên liệu này.

Một trong những hoạt động cần phải thay đổi nhất hiện nay là hợp tác chống khủng bố. Tuy luôn là đòi hỏi bức thiết và thường xuyên được đề cập nhưng cho đến nay hợp tác quốc tế vẫn thiếu hiệu quả và là điểm yếu của cộng đồng quốc tế bị các lực lượng khủng bố khai thác triệt để. Nguyên nhân thường được viện dẫn là bởi sự khác biệt trong chính sách an ninh cũng như chưa có được lòng tin giữa các nước. Đơn cử như cách giới chức EU lý giải tại sao mãi tới sau vụ Brussels, tại cuộc họp ngày 24-3-2016, các Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp của 28 nước thành viên EU mới thông qua được một nghị quyết về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chia sẻ thông tin tình báo. Để cuộc chiến chống khủng bố có kết quả thì không thể đợi đến lúc có lòng tin hay đạt được sự đồng thuận, rõ ràng đã đến lúc các nước cần gạt bỏ những bất đồng để hợp tác, đơn giản bởi họ buộc phải hợp tác.

Đến đây thì chỉ còn lại vấn đề không kém phần quan trọng, đó là làm sao mau chóng hiện thực hóa những điều cần thay đổi này.

Nguồn nhandan.com.vn