Cần các giải pháp đột phá đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn

      Nhiều đại biểu Quốc hội nhận định, báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế -xã hội tương đối toàn diện nhưng chưa thể hiện được mức độ diễn ra và xu hướng đáng lo ngại của nền kinh tế. Đáng lưu ý, các giải pháp Chính phủ đưa ra vẫn chung chung, chưa quyết liệt, chưa có đột phá để có thể đưa nền kinh tế vượt qua những khó khăn, thách thức trong giai đoạn hiện nay.


 

  Đoàn ĐBQH TP Hà Nội thảo luận tại tổ. (Ảnh: Kim Thanh).


     Sáng 22/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.

Trước đó, Báo cáo này đã được Chính phủ trình trước Quốc hội vào sáng ngày 20/5.

Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều đánh giá, bản báo cáo của Chính phủ tương đối toàn diện, nhưng chưa thể hiện được mức độ diễn ra và xu hướng đáng lo ngại của nền kinh tế. Các đại biểu đều đồng tình, báo cáo cần phải đánh giá một cách sâu sắc, “gốc rễ” hơn.

Bắt đầu phiên thảo luận tại Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh, ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh: Cần nhìn thẳng sự thật rằng, nền kinh tế đang trong giai đoạn trì trệ nghiêm trọng. ĐB phân tích, trong nhiều năm từ sau đổi mới, chúng ta cũng đã có giai đoạn nền kinh tế trì trệ khi chịu tác động khủng hoảng tài chính khu vực trong 3 năm (từ 1997 – 1999). Nhưng giai đoạn hiện nay, suy giảm tăng trưởng đã kéo dài 6 năm (từ 2008 – 2013), tức gấp đôi thời gian giai đoạn trước.

“Tại sao gọi là trì trệ? Vì trước đây đều tăng trưởng mức 7 – 8%. Chỉ tăng trưởng mức đó chúng ta mới rút ngắn được mục tiêu phát triển với các nước khác và giải quyết các vấn đề xã hội liên quan. Nhưng hiện nay, tăng trưởng chỉ ở mức 5% thì đúng là trì trệ” – ĐB Trần Du Lịch lý giải.

Một điểm đáng lo ngại nữa, theo ĐB, trước đây nền kinh tế tăng trưởng trên 4 lĩnh vực kinh tế trụ cột (nông nghiệp; khu vực doanh nghiệp nhà nước; doanh nghiệp tư nhân; doanh nghiệp FDI) nhưng tới giai đoạn 2012 – 2013, tăng trưởng kinh tế đuối, chỉ còn dựa trên FDI. Sự sụt giảm, mất sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước là rất đáng lo ngại, cần đánh giá sâu để có giải pháp.

ĐB Trần Du Lịch nhận định, với tình hình kinh tế hiện nay, cần thực hiện nhiều chính sách, trong đó cần đột phá về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa. ĐB đề xuất, chúng ta phải xây dựng chương trình phát triển giai đoạn 3 năm 2013 – 2015, không nhất thiết cứ phải là 5 năm, để vực dậy kinh tế trong nước. 

 
ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Kim Thanh


ĐB cho rằng, khống chế nợ công là cần thiết, nhưng Quốc hội phải xem lại tăng bội chi ở các hình thức khác nhau để nới lỏng chính sách tài khóa. “Tôi cho rằng, đây là một quyết định rất khó khăn với QH. Nói khó khăn vì nợ công đã báo động rồi, bội chi đã lớn, nhưng áp dụng biện pháp này là một biện pháp đặc biệt cho năm 2013 – 2014 để chúng ta xây dựng chính sách tiền tệ phù hợp”. – ĐB Trần Du Lịch thẳng thắn.

Cũng theo ĐB, cần lựa chọn một số lĩnh vực để xử lý, trong đó ưu tiên khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Đồng tình với ĐB Trần Du Lịch, ĐB Trương Thị Ánh cũng cho rằng, mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã có các giải pháp tích cực, thúc đẩy kinh tế nhưng chưa mang lại  kết quả: Sản xuất công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao, sức mua giảm, tiêu thụ chậm; thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn; số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể và phá sản vẫn ở mức cao; tiến độ thu ngân sách nhà nước chậm hơn cùng kỳ các năm trước; …

Đồng tình với các giải pháp Chính phủ đề ra, song ĐB Trương Thị Ánh cho rằng, giải pháp đề ra cần quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, đột phá hơn. Riêng về lĩnh vực nông nghiệp, ĐB đề nghị, Chính phủ cần đánh giá Chương trình xây dựng nông thôn mới và có giải pháp thúc đẩy chương trình. Bởi thực tế gần đây, mức tăng trưởng của ngành này thấp, nguyên liệu đầu vào như: Phân bón, con giống… hầu hết bị lệ thuộc vào nước ngoài.

Liên quan tới nợ công, ĐB cho rằng, Quốc hội nên nghiên cứu xác định giới hạn an toàn.

Cùng quan điểm trên, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng bày tỏ, những giải pháp trong Báo cáo của Chính phủ là hợp lý, song có những vấn đề tồn tại kéo dài không chỉ 1, 2 năm mà giải pháp đưa ra cứ lặp đi lặp lại, không có gì mới.

Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, tình hình thực tế khó khăn hơn nhiều nên cần đột phá trong giải pháp, quyết liệt trong xử lý. ĐB kiến nghị, Báo cáo phải chỉ rõ được nguyên nhân của những khó khăn thì mới đề ra trúng giải pháp. Mặt khác, phải chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm khi thực hiện các giải pháp của Chính phủ thì mới có hiệu quả.

ĐB cũng đề nghị Chính phủ phải báo cáo rõ với Quốc hội về vấn đề: Tại sao doanh nghiệp trong nước khó khăn từ lâu mà vẫn chưa giải quyết được? “Để doanh nghiệp trong nước thua trên sân nhà thấy thật xót xa… Vì sao doanh nghiệp khó khăn, Báo cáo của Chính phủ cũng chưa phân tích được” – ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm trăn trở.

Tại tổ ĐBQH TP. Hà Nội, các ĐBQH cũng cho rằng, các giải pháp mà Chính phủ đưa ra chưa đủ mạnh, chưa quyết liệt để vực dậy nền kinh tế.

ĐB Nguyễn Thị An cho rằng, trước hết, phải xem lại các con số thống kê đánh giá chuẩn tình hình; bởi thực tế, tại nhiều tỉnh đều báo cáo GDP tăng cao, nhưng tính chung cả nước lại thấp, hay nhiều con số thống kê của các bộ, ngành không thống nhất nhau.

ĐB đề nghị Chính phủ nghiên cứu để tìm ra quy luật phát triển thực tiễn của Việt Nam, tái cơ cấu thế nào cho đúng, đầu tư công thế nào cho hiệu quả để tạo ra bước đột phá. ĐB cũng cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, nên có sự đầu tư sâu hơn cho nông nghiệp, từ đây tạo ra cứu cánh cho nền kinh tế.

Chiều nay, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế – xã hội và ngân sách./.