Campuchia sôi động tranh cử

Các đảng chính trị Campuchia sớm khởi động cuộc vận động tranh cử 2017-2018, với sự xuất hiện các đảng mới, tình hình thêm sôi nổi, phức tạp.

Dù hai cuộc bầu cử Hội đồng xã, phường năm 2017 và Quốc hội Campuchia năm 2018 còn khá nhiều thời gian mới đến, nhưng Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) và Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) – hai chính đảng lớn nhất tại Campuchia – đã bắt đầu có những hoạt động tranh cử sôi động. Điều này hoàn toàn khác với các nhiệm kỳ trước đây. Không những vậy, hàng loạt đảng mới cũng đã thành lập: Đảng Dân chủ cơ sở (Yong Sangkoma), Đảng Tổ ong xã hội dân chủ (Mom Sonangdo), Đảng Khmer đoàn kết (Lak Sophiep), Đảng Quyền lực nhân dân (Suon Serey Rotha) và một số đảng khác.

Theo đánh giá của dư luận, các đảng mới thành lập có thể chia phiếu bầu của CNRP, bởi vì phần lớn những người ủng hộ các đảng nhỏ này tức giận với CNRP đã không tôn trọng lời hứa của mình.

Nếu những đảng nhỏ nằm riêng rẽ và tách rời nhau thì chắc chắn sẽ phân tán phiếu của CNRP, do đó CPP có thể thắng cử dễ dàng. Tuy nhiên, chính trị không thể dự báo trước được. Các đảng nhỏ này liên kết với nhau hoặc sáp nhập do điều kiện nào đó với CNRP trước bầu cử thì đảng đối lập sẽ có ưu thế giành chiến thắng trước CPP. Minh chứng vấn đề này là việc Đảng Sam Rainsy (SRP) và Đảng Nhân quyền (HRP) sáp nhập thành CNRP trước bầu cử 2013, làm cho CPP mất 22 ghế tại Quốc hội.

Ngày 23/8/2015, tại Melbourne, Australia, trước đông đảo những người ủng hộ, ông Kem Sokha, Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Campuchia, đồng thời là Phó Chủ tịch của CNRP, cam kết đảng đối lập sẽ cải cách nội bộ đảng và hệ thống lãnh đạo từ trung ương đến cơ sở. Ngoài ra ông còn tuyên bố đang có một cường quốc chờ ủng hộ đảng của ông để giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2018. Về vấn đề này, ngày 26/8/2015, trong Hội nghị quán triệt đường lối, chính sách phát triển công nghiệp 2015-2025, có mặt các khách nước ngoài, Thủ tướng Hun Sen đã hỏi Đại biện Mỹ tại Campuchia, người tạm quyền thay cựu Đại sứ Mỹ William Todd, rằng có phải Mỹ đứng sau chống lưng cho đảng đối lập CNRP như lời của Kem Sokha ngày 23/8 ở Melbourne (Australia) hay không.

Người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh Jay Raman trả lời Đài tiếng nói Hoa Kỳ qua e-mail, cho biết, Đại sứ quán Mỹ không bình luận trực tiếp về ý kiến ​của ​Thủ tướng Campuchia. Nhưng Mỹ không ủng hộ bất kỳ đảng phái chính trị hoặc ứng cử viên nào ở Campuchia, mà ủng hộ tiến trình dân chủ dẫn đến trách nhiệm đối với người dân Campuchia. Người phát ngôn của CNRP Yim Sovann cho biết, trong thời đại toàn cầu hóa, Campuchia cũng như các nước khác cần có sự giúp đỡ lẫn nhau để đảm bảo quá trình dân chủ.

Người phát ngôn của CPP Sok Eysan cho rằng người ta không quan ngại trước tuyên bố của CNRP, sách lược của đảng này thực chất cũng chẳng có ảnh hưởng gì đến những người ủng hộ. Đảng này đạt đỉnh điểm vào năm 2013 nhưng đến nay đã hết thời.

1
Thủ tướng Hun Sen và ông Sam Rainsy có những cuộc gặp mặt hòa giải để giảm nhẹ bất đồng chính trị giữa CPP và CNRP trước thềm tuyển cử

Ông Kem Ly, nhà xã hội học Campuchia cho rằng một đảng không biết cải cách thực sự, chỉ biết dựa vào lực lượng bên ngoài hơn là dựa vào sức mạnh bên trong, thì đảng đó sẽ dần mất lòng tin đối với những người ủng hộ. Kể cả vấn đề biên giới, đảng này đã đấu tranh để có sự rà soát bản đồ, là yêu sách cuối cùng  thì nay cũng đã chấm dứt.

Cuộc chiến bản đồ đi vào hồi kết thúc

Trước sức ép của sự ra đời hàng loạt đảng chính trị mới mà cương lĩnh có nhiều điểm tương đồng với CNRP, đảng này đã phát động cuộc chiến bản đồ tại Campuchia để thu hút sự chú ý của cử tri Campuchia. Đây là cuộc đấu tranh quyền lực chính trị trong nội bộ Campuchia.

Thủ tướng Hun Sen đã yêu cầu Liên hợp quốc, Mỹ, Pháp và Anh cung cấp bản đồ biên giới Campuchia với Việt Nam để so sánh. Việc làm này là nhằm bảo vệ lập trường đúng đắn của chính phủ Hoàng gia Campuchia trong các cuộc đàm phán phân định và cắm mốc biên giới với Việt Nam.

Ngày 20/8, bà Mereani Keleti Vakasisikakala, quyền chủ tịch Thư viện Dag Hammarskjold của Liên Hợp Quốc, đã bàn giao bản đồ mà Campuchia muốn mượn cho Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong. Ngày 21/8, Người phát ngôn của CPP Sok Eysan khẳng định việc đối chiếu, rà soát đã minh chứng cho việc chính phủ đã sử dụng bản đồ trong phân giới cám mốc là đúng.

Sáng 26/8, tại Cung Hòa Bình ở Phnom Penh, đã diễn ra lễ bàn giao bản đồ Campuchia trả lại cho Liên hợp quốc. Ông Hor Nam Hong và bà Mereani Keleti Vakasisikakala đã ký văn bản bàn giao bản đồ 18 mảnh dưới sự chứng kiến của đại diện chính phủ Campuchia, quan chức Bộ Ngoại giao và đại diện của Liên hợp quốc. Phát biểu tại buổi lễ, ông Hor Nam Hong nhấn mạnh, các nghị sĩ của đảng đối lập và đảng đối lập sẽ “sáng mắt” khi Campuchia nhận bản đồ Bonne tỉ lệ 1/100.000 từ Pháp vào thời gian tới; hi vọng vấn đề bản đồ biên giới sẽ không còn là trò chơi chính trị và là điệu hát đối đáp trên mạng lưới truyền thông. Ông cho biết, Tổng thống Pháp Francois Holland sẽ sớm ký trao bản đồ Bonne 1/100.000 cho cho chính phủ Campuchia theo đề nghị của Thủ tướng Hun Sen.

Cuộc chiến bản đồ dường như căn bản kết thúc. Nhưng cuộc vận động tuyển cử tại Campuchia sẽ tiếp tục với nhiều vấn đề phát sinh liên quan đối nội và đối ngoại của Campuchia./.

Nguồn Tổ quốc