Cách thu hút đầu tư “kỳ lạ” của nhiều nước

Chính sách đầu tư để có quyền công dân đã được nhiều nước áp dụng trong bối cảnh mỗi năm có hàng nghìn người chi ra khoảng 2 tỷ USD để có thêm một hoặc thậm chí hai tấm hộ chiếu trong bộ sưu tập của họ.
St Kitts & Nevis là một trong những nơi đầu tiên mà công dân từ những nơi khác có thể mua được quyền công dân.

Một trong những nơi đầu tiên mà công dân từ những nơi khác có thể mua được quyền công dân là đảo quốc St Kitts & Nevis, nằm trong vùng biển Caribbean. Từ lâu, đảo quốc này đã điều hành Chương trình Đầu tư để có quyền công dân, hằng năm thu nhận thêm nhiều công dân mới qua con đường đầu tư vào xứ sở của họ.

Có 2 cách để sở hữu quyền công dân ở đây, rẻ nhất là quyên tặng 250.000 USD cho Quỹ đa dạng hóa ngành công nghiệp đường St Kitts & Nevis. Cách còn lại là đầu tư tối thiểu 400.000 USD vào bất động sản của đảo quốc.

Việc có một hộ chiếu ở quốc gia vùng Caribbean sẽ cho phép nhà đầu tư được du lịch miễn visa đến gần 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn nữa, một số người tham gia chương trình sẽ trả mức thuế thấp hơn những công dân quốc gia vùng Caribbean.

Sự phổ biến của chương trình cấp quyền công dân cho thấy sự khó khăn trong đầu tư du lịch của các quốc gia trong vùng biển Caribbean. Nhiều quốc gia nhỏ nơi đây phải vật lộn với nhu cầu du lịch hay sự hạn chế tiếp cận của các hãng hàng không quốc tế và phải đấu tranh với những thiệt hại gây ra bởi những cơn bão nhiệt đới. Một số năm gần đây những dự án khu nghỉ mát cao cấp tại Caribbean mới chỉ xây dựng được một nửa và vẫn mòn mỏi chờ đợi được xây tiếp khi số tiền tài trợ đã bị cắt vì suy thoái kinh tế.

Ở St Kitts & Nevis, những nhà đầu tư của cộng đồng khu nghỉ mát Christophe Harbour đã sử dụng chương trình cấp quyền công dân để bán 100 ngôi nhà trong 2 năm qua để tài trợ xây dựng khách sạn cao cấp Park Hyatt. St Kitts & Nevis ra giá bất động sản tối thiểu đối với các nhà đầu tư muốn được cấp quyền công dân là 400.000 UND. Giá lô đất ở Christophe Harbour từ 500.000 đến 6 tỷ USD.

Grenada là một hòn đảo có 106.000 cư dân sinh sống, bắt đầu chương trình cấp quyền công dân năm 2013 để tài trợ cho việc mở rộng 22 biệt thự và câu lạc bộ ở vùng núi và bờ biển. Người phát triển dự án, ông Peter de Savary cho biết ông cũng đang dự định xây 80 biệt thự khác bằng cách thu hút những người nước ngoài đang xin quốc tịch Grenadian. Ông cũng đang kêu gọi đầu tư vào một dự án hỗn hợp ở Grenada, xây dựng bến du thuyền, các cửa hàng và biệt thự.

St Lucia, Barbados, Bermuda và các đảo khác lo lắng rằng họ sẽ bị tụt hậu trong phát triển du lịch và cũng đang nghiên cứu xem có nên thực hiện chương trình cấp quyền công dân của riêng mình hay không.

Nhiều nước áp dụng

Không chỉ riêng St Kitts and Nevis, Antigua và Barbuda, nhiều nước và vùng lãnh thổ khác cũng có những chương trình tương tự, như Malta, Hà Lan, Tây Ban Nha… Họ cung cấp trực tiếp quyền công dân qua con đường đầu tư của các doanh nhân hoặc tạo điều kiện nhập tịch cho các doanh nhân giàu có trên toàn thế giới.

Nước cộng hòa Dominica là một trường hợp tiêu biểu của việc mua bán sôi nổi quyền công dân đang diễn ra.

Nước này chỉ có khoảng 71.000 dân nhưng có đến hơn 3.000 trường hợp được cấp quyền công dân qua ngả đầu tư. Ở đây, nhà doanh nghiệp chỉ cần bỏ ra 100.000 USD chi phí đầu tư cùng một số phí khác là có thể trở thành công dân của Dominica. Nước này lại là thành viên khối Thịnh vượng chung (Commonwealth) nên công dân của họ được nhiều ưu đãi ở Anh và đi du lịch không cần hộ chiếu ở 50 nước, trong đó có cả Thụy Sĩ.

Một số nước không mang quyền công dân ra bán, nhưng cung cấp quyền cư trú cho những người giàu trên thế giới. Từ quyền định cư đến quyền nhập tịch là quá dễ dàng đối với các triệu phú, tỉ phú trên thế giới.

Chương trình nhập tịch qua đầu tư rất phổ biến, nhưng mức kinh phí đầu tư thay đổi tùy theo nước, chẳng hạn ở Antigua and Barbuda, mức quy định vào cuối năm 2013 là 400.000 USD đầu tư bất động sản hoặc trao tặng 200.000 USD cho tổ chức từ thiện trong nước. Ngay cả ở Mỹ, những người nước ngoài sẽ có được thẻ xanh theo visa EB-5 nếu đầu tư 500.000 USD trong một khu vực lao động được định trước và tạo ra 10 công ăn việc làm.

Từ năm 1990 đến nay, người nước ngoài tại Mỹ đã đầu tư trên 6,8 tỷ USD thông qua chương trình EB-5 và chính phủ Mỹ đã cấp 29.000 visa cho thành phần này.

Gần đây, Malta đã tạo sóng dư luận khi công bố chương trình cho những người nước ngoài giàu được cấp hộ chiếu nếu có những công trình đầu tư với kinh phí 650.000 Euro mà không đòi hỏi điều kiện về cư trú. Khoản kinh phí quy định này được xem là rẻ nhất trong khu vực Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Malta, ông Joseph Muscar, ước tính có khoảng 45 nhà doanh nghiệp sẽ được cấp quyền công dân trong năm đầu tiên, với khoản kinh phí đầu tư chung là 30 triệu Euro. Tuy nhiên, dưới sức ép của EU, chính quyền Malta buộc phải nâng mức quy định đầu tư lên 1,15 triệu Euro.

Ngoài Malta, CH Síp là nước EU thứ hai đề ra chương trình nhập tịch bằng đầu tư với định mức 2 triệu Euro (áp dụng cho cá nhân tham gia vào một nhóm đầu tư), với tổng số tiền đổ vào CH Síp lớn hơn 12,5 triệu Euro. Các cá nhân bình thường vẫn phải đầu tư ít nhất 5 triệu USD vào bất động sản hoặc ngân hàng ở CH Síp để được cấp quốc tịch.

Đề phòng gian lận

Các chuyên gia cảnh báo một nhược điểm lớn của chương trình là khả năng gian lận. Các nhà chức trách lo ngại rằng nếu không có sự giám sát chặt chẽ, chương trình này có thể bị lợi dụng bởi những kẻ rửa tiền và các tội phạm khác vì du lịch tự do.

Vào tháng 5/2015, Bộ Tài chính Mỹ đã gửi thư cảnh báo các ngân hàng rằng các nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể là công dân Iran, đã lợi dụng chương trình cấp quyền công dân của St Kitts & Nevis để “hoạt động tài chính bất hợp pháp”. St Kitts & Nevis đã cấm công dân Iran tham gia chương trình của mình vào năm 2013 nhưng Mỹ  cáo buộc công dân Iran vẫn tiếp tục nhận được hộ chiếu của St Kitts & Nevis.

Đáp lại, Thủ tướng của St Kitts & Nevis đã phát biểu trong một diễn đàn công cộng rằng ông đã chỉ thị cho chính quyền của mình rà soát và cải thiện chương trình cấp quyền công dân cho các ứng viên. St Kitts & Nevis và các quốc gia vùng Caribbean khác lo lắng vì nếu quá trình rà soát ứng viên của họ lỏng lẻo, các nước khác sẽ bắt đầu đặt ra những hạn chế đối với những du khách sử dụng hộ chiếu quốc gia vùng Caribbean.

“Điều đó có thể làm giảm giá trị quyền công dân và phá hoại các chương trình phát triển du lịch”, ông Madeleine Sumption, một giám đốc nghiên cứu tại Viện chính sách di dân Washington, DC cho biết

Nguồn chinhphu.vn