Cách lựa chọn rau, quả an toàn cho ngày Tết

Rau xanh, quả chín là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của nhiều gia đình. Đặc biệt, trong dịp Tết lượng hàng này càng được tiêu thụ nhiều hơn. Theo các chuyên gia, để là người tiêu dùng thông thái khi lựa chọn rau quả bạn nên chú ý một số điều sau:

Tốt nhất bạn nên chọn mua rau, quả tại các “cửa hàng rau an toàn” hoặc các cơ sở đã được chứng nhận “rau được sản xuất theo quy trình sản xuất rau an toàn”.

Về cảm quan bên ngoài, khi lựa chọn rau quả tươi cần chú ý chọn quả còn nguyên vẹn, lành lặn, không dập nát trầy sước, thâm nhũn ở núm cuống.

Cảnh giác loại quá mập, “phổng phao”, có màu sắc bất thường. Nên chọn rau quả có màu sắc tự khiên, không héo, úa. 

Rau, quả nếu còn dính hoá chất bảo vệ thực vật thường thấy xuất hiện trên lá, cuống lá, núm quả, cuống quả… có các vết lấm tấm hoặc vết trắng. Rau, quả chứa tồn dư nhiều hóa chất bảo vệ thực vật khi ngửi có mùi hắc, lạ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Quả được tẩm hóa chất bảo quản độc hại sẽ giữ quả vỏ tươi hàng tháng nhưng khi bổ ra mới phát hiện bởi quả biến màu. Vì thế khi mua, ngoài nhìn cảm quan chung cần nhìn kỹ núm cuống. Không mua trái cây, quả mà núm quả đã bị thâm nhũn.

Tất cả các loại rau, quả trước khi chế biến cần được nhặt, rửa sạch trực tiếp dưới vòi nước chảy hoặc rửa nước trong chậu to, nhiều nước sạch nhưng phải thay nước rửa 3 lần.

Nếu phát hiệt rau quả có màu sắc, mùi vị lạ thì tuyệt đối không được dùng làm thức ăn cho người hoặc gia súc.

Đối với các loại quả có thể ăn ngay thì phải rửa sạch, để cho ráo hết nước mới bám ở ngoài rồi mới bóc vỏ hoặc gọt bỏ vỏ trước khi ăn.

Nếu sử dụng rau, quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với nồng độ quá cao sẽ bị ngộ độc, gây rối loạn thần kinh trung ương, nhức đầu, nôn mửa, mất ngủ, giảm trí nhớ, với mức độ nặng hơn có thể tổn thương thần kinh ngoại biên dẫn đến liệt. Hội chứng nhiễm độc não thường gặp đối với thuốc bảo vệ thực vật nhóm thủy ngân hữu cơ và lân hữa cơ. Các hội chứng về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, gan, mật và hội chứng về máu cũng có thể xảy ra ở những trường hợp nặng, tỷ lệ tử vong cao.

Hơn thế nữa, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng… không đúng quy định làm cho tồn dư các chất hóa học độc hại trong rau quả tuy ở liều lượng chưa gây ngộ độc cấp tính nhưng với thời gian sử dụng kéo dài cũng có thể dẫn đến nguy cơ tích lũy và gây tổn thương một số bộ phận trong cơ thể. Sau một thời gian dài mới phát bệnh hoặc gây dị tật, dị dạng cho các thế hệ sau.