Các nghệ nhân thi tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên

Trong khuôn khổ Lễ Hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6, Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017, sáng 10-3, Ban tổ chức Lễ hội đã khai mạc Hội thi tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên năm 2017.


Các nghệ nhân đang thực hiện phần thi tạc tượng gỗ.

Hội thi năm nay thu hút 71 nghệ nhân đến từ năm tỉnh Tây Nguyên và Quảng Nam, Khánh Hòa tham gia. Các nghệ nhân thi tạc tượng bằng hình thức điêu khắc, chạm trổ trên gỗ, mô tả cảnh sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật của con người Tây Nguyên, về thế giới tự nhiên, động vật, muông thú… xoay quanh chủ đề “Văn hóa, nghệ thuật, con người Tây Nguyên”.

Hội thi tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên năm 2017 là một trong những chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VI và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng năm 2017 được cộng đồng, du khách trong nước và quốc tế quan tâm, tìm hiểu và nghiên cứu. Trước tình trạng tạc tượng gỗ trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên ngày càng mai một, hội thi là lời nhắc nhở các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân cần quan tâm hơn nữa việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đây cũng là dịp để các nghệ nhân có cơ hội gặp gỡ giao lưu, trao đổi học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, phác họa chân dung, mô tả những nét đẹp truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong lao động, sản xuất, sinh hoạt cộng đồng…

Tham gia hội thi tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên lần này, đoàn nghệ nhân huyện Krông Bông, tỉnh Đác Lắc có ba nghệ nhân, trong đó có một nghệ nhân còn rất trẻ chỉ mới 23 tuổi, thực hiện ba tác phẩm: Người giữ lửa, Chiều về buôn, Giai điệu Đing Năm. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sơn, trưởng đoàn nghệ nhân huyện Krông Bông cho biết, nếu như hội thi những năm trước đây chỉ có những nghệ nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số mới được tham gia thì hội thi lần này có điểm mới là nghệ nhân tất cả các dân tộc sinh sống trên địa bàn Tây Nguyên đều có thể tham gia. Nội dung thi cũng phong phú hơn, những tác phẩm cũng gần gũi với lao động, sinh hoạt hằng ngày của đồng bào.

Nghệ nhân Y Nguin Knul, 74 tuổi đến từ huyện Cư Kuin, tỉnh Đác Lắc đang say sưa chế tác tác phẩm Cây nêu chia sẻ: “Hội thi năm nay, cây nêu là một trong những hình tượng quen thuộc đối với đồng bào Tây Nguyên. Tác phẩm này chỉ có những nghệ nhân lớn tuổi như chúng tôi mới thực hiện được, bởi ngày xưa cây nêu ở buôn làng rất nhiều, còn bữa nay hình tượng cây nêu ở buôn làng không còn nữa, chỉ còn trong ký ức mà thôi. Sau này chúng tôi già mất đi, sợ không có người thay thế, lớp trẻ giờ không chịu theo nghề này”.

Nghệ nhân A Đoàn, sinh năm 1968 đến từ xã Đác Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum sáng tác tác phẩm “Người đàn bà chịu khó” cho biết anh chọn tác phẩm này vì theo phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số, người phụ nữ là trụ cột trong gia đình, mọi công việc từ việc làm nương rẫy, bổ củi, giã gạo hay nấu nướng trong gia đình đều có bàn tay người phụ nữ. Với tác phẩm này, tôi muốn truyền đi thông điệp, trong cuộc sống gia đình, mọi người cần chia sẻ công việc với người phụ nữ để họ có thời gian chăm chút cho bản thân mình và tham gia các hoạt động xã hội nhiều hơn…

Hội thi diễn ra từ hôm nay và trao giải vào ngày 13-3 tới.

Nghệ nhân Y Nam Bkrông đến từ xã Krông Na, huyện Buôn Đôn thực hiện tác phẩm “Người đánh trống”.

Tác phẩm “Mẹ con lên nương” của nghệ nhân Y Ler Arul đến từ xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đác Lắc.

Nguồn Báo Nhân Dân