Các huyện phía Đông xuống giống lúa Đông Xuân 2022

(THTG) Trên cơ sở những dự báo về tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2022 sẽ đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm, nên từ đầu tháng 11 đến hết tuần thứ 3 của tháng 11, nông dân các huyện nằm trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công, tập trung xuống giống dứt điểm vụ lúa Đông Xuân 2021-2022 nhằm bảo đảm được 2 mục tiêu là vừa né rầy vừa né hạn, mặn.

vlcsnap-2021-11-10-08h58m15s121.png

vlcsnap-2021-11-10-08h58m43s629.png

Nông dân các huyện phía Đông sẽ xuống giống khoảng 22.000 ha lúa. Ảnh: Lê Thi

Theo kế hoạch, vụ lúa Đông Xuân năm nay, các huyện gồm: Gò Công Tây, Gò Công Đông và thị xã Gò Công sẽ xuống giống khoảng 22.000 hecta, giảm khoảng 1.000 hecta do nông dân đã chuyển đổi các vùng đất thường xuyên bị thiếu nước ngọt sang cây trồng khác. Để thu hoạch không rơi vào thời điểm Tết Nguyên đán 2022, nông dân quan tâm chọn giống thật kỹ, ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày, nhưng chất lượng cao như: OM 5451, Nàng Hoa 9, VD 20,…

Trước khi xuống giống, nông dân cần làm đất thật kỹ vì chân ruộng vùng dự án ngọt hóa Gò Công vẫn còn tồn lưu phèn, mặn. Sau đó có thể bón vôi bột từ 500 – 1.000 kg/hecta và tăng cường sử dụng các loại phân bón có chứa hàm lượng canxi, silic để giúp lúa tăng sức chống chịu với thời tiết khắc nghiệt, sâu bệnh và hạn chế đổ ngã sau này.

Đặc biệt, trong giai đoạn lúa đầu vụ, nông dân cần đi thăm đồng thường xuyên để quản lý tốt rầy nâu, bệnh vàng lùn và hạn chế bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá xảy ra, vì đây là bệnh chưa có thuốc đặc trị. Riêng đối với phân bón, cần bón phân theo nhu cầu của cây lúa, tránh tình trạng bón thừa phân trong bối cảnh giá phân bón đang tăng cao như hiện nay.

Kim Nữ