Các địa phương tích cực chuẩn bị phòng, chống thiên tai

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, dự báo bão lớn và thảm họa thiên tai có thể xảy ra, nhiều địa phương đã tích cực chỉ đạo chuẩn bị công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2014.

Diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại Quảng Ninh

Tại Quảng Ninh, một tỉnh có nhiều hoạt động khai thác hầm lò, nuôi trồng thủy sản, ngư dân đánh bắt hải sản, du lịch biển đảo… nguy cơ ảnh hưởng của diễn biến thời tiết bất lợi đối với địa bàn tỉnh là rất lớn, do vậy, nhằm giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, nhân dân do bão, lụt, UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu các ngành, các cấp theo chức năng của mình quản lý, kiểm tra các công trình để có biện pháp củng cố, khắc phục, phương án đảm bảo an toàn và kịp thời phòng chống lụt bão năm 2014.

Cùng với đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải quản lý chặt chẽ số tàu thuyền trên địa bàn, chủ động phối hợp với các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để kiểm tra chất lượng, đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền theo quy định; đăng ký và có cam kết của các chủ tàu về hoạt động khi ra khơi và hoạt động trên sông nước (đặc biệt là các tàu đánh cá xa bờ, các tàu, thuyền chở khách); phải có số điện thoại và có cam kết của các chủ tàu thuyền; xây dựng nội quy về việc di chuyển tàu thuyền đánh bắt hải sản để nắm bắt thông tin của các tàu thuyền trong các trường hợp xảy ra sự cố do bất khả kháng xảy ra.

Tại Hà Nội, UBND Thành phố vừa ban hành Chỉ thị về công tác phòng, chống lụt, bão năm 2014. Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn khẩn trương rà soát, xác định những khu vực nguy hiểm trên địa bàn, xây dựng phương án, chủ động sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm trước khi bão, lũ, úng ngập, thiên tai xảy ra; tổ chức dự trữ lương thực, thuốc men, cây, con giống; hàng hoá, vật tư thiết yếu để sẵn sàng hỗ trợ bảo đảm đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi có lụt, bão.

Cùng với đó, củng cố, kiện toàn tổ chức chỉ huy phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn; rà soát và xây dựng kế hoạch, các phương án phòng, chống lụt, bão năm 2014 cụ thể, chi tiết, sát với yêu cầu thực tiễn, có tính đến những yếu tố bất thường do biến đổi khí hậu; thường xuyên theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến mưa, lũ, bão; kịp thời kiểm tra, bổ sung phương án bảo đảm sát thực tế, khả thi, bảo đảm chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó hiệu quả với mọi diễn biến của lụt, bão. Chủ động kinh phí, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện, các điều kiện bảo đảm để thực hiện phương án phòng, chống thiên tai, lụt, bão…

Chuẩn bị công tác phòng chống lụt bão năm 2014, tỉnh Tiền Giang yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố… tổ chức diễn tập các phương án phòng, chống lụt, bão, thiên tai trên cơ sở quán triệt phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và chủ động phòng, tránh ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả.

Đồng thời, rà soát, cập nhật, xác định những khu vực nguy hiểm trên địa bàn để khi có xảy ra thiên tai thì chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; xây dựng phương án cụ thể và sẵn sàng thực hiện sơ tán khi cần thiết. Kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”…

Tiền Giang cũng yêu cầu các địa phương kiểm tra, đánh giá chất lượng từng tuyến đê, huy động mọi nguồn lực để tiến hành duy tu, sửa chữa, gia cố đê biển, đê sông, đê bao ngăn lũ, đặc biệt là các đoạn đê xung yếu. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi nội đồng, các công trình đầu mối, đảm bảo khai thông dòng chảy, đủ nước bơm tưới khi khô hạn và tiêu thoát lũ nhanh khi ngập úng.

Nguồn Chính phủ