Bóng đá Thái Lan – 15 năm vươn tầm châu lục

Để đạt một số thành công đến hôm nay, “bóng đá Thái Lan không thể xây dựng trong một ngày”, mà là thành quả của một tập thể đoàn kết, gắn bó và cùng hướng đến giấc mơ vươn tầm châu lục và thế giới. Đây cũng là slogan hướng đến kỷ niệm 100 năm phát triển của bóng đá Thái Lan vào ngày 28 và 29-11-2016. 

Dẫu có những giai đoạn thăng trầm khác nhau, nền bóng đá Thái Lan luôn được xem là một trong số ít nước Đông Nam Á có khả năng thách thức những nước có nền bóng đá phát triển khác ở châu Á. Đội tuyển quốc gia Thái Lan đã lần đầu tiên vào đến vòng cuối cùng của vòng loại World Cup khu vực châu Á vào năm 2002. Đây cũng là thời điểm của thế hệ “Dream Team” nổi tiếng với những ngôi sao Kiatisuk Senamuang, Tawan Sripan, Dusit Chalermsan,… Người Thái tưởng đã chạm ngỏ World Cup 2002 nhưng rồi dang dở giấc mơ, thậm chí bóng đá Thái Lan tuột dốc không phanh vào những năm tiếp theo. Để một lần nữa đội tuyển quốc gia khẳng định vị thế khu vực, hướng đến châu Á như thời điểm hiện tại, người Thái đã kiên trì những định hướng sau:

1. Đặt niềm tin vào HLV nội. Vào năm 2005, sau một thời gian thử nghiệm với HLV ngoại, Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) quyết định mời HLV Charnwit Polcheewin, người đã có công đưa CLB Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan đạt cúp châu Á năm 1994 và 1995, làm HLV đội tuyển quốc gia Thái Lan. Sau những thành công ban đầu của HLV Charnwit Polcheewin, FAT lại tiếp tục đặt niềm tin vào các HLV nổi tiếng người nước ngoài như Peter Reid, Bryan Robson, hay Winfried Schäfer nhưng vẫn chưa tạo được thành công như mong đợi.

“Kiến trúc sư trưởng” Kiatisuk và các cộng sự của mình

Đến thời điểm này, FAT phải áp dụng chiến lược “người Thái trị người Thái” bằng việc giao quyền quản lý các đội tuyển Thái cho “kiến trúc sư trưởng” Kiatisuk Senamuang. Với kiến thức, kinh nghiệm thi đấu trong và ngoài nước cũng như am hiểu nội tình của bóng đá Thái, Kiatisuk đã từng bước tạo nên đế chế của mình. Những khó khăn mà HLV ngoại gặp phải như thời gian tập trung đội tuyển quốc gia, sự chấp hành lệnh triệu tập đội tuyển của các tuyển thủ, sự đoàn kết của các cầu thủ trong đội tuyển, … đều được “Zico Thái” xử lý khá hiệu quả.

2. Đầu tư các CLB nước ngoài. Có thể nói nguyên Thủ tướng Thaksin Shinawatra là người đầu tiên mở đầu xu hướng người Thái đầu tư vào các CLB bóng đá ở các nước phát triển như Anh, Ý, Tây Ban Nha,… Với việc trở thành Chủ tịch CLB Manchester City, ông Thaksin đã tạo cơ hội cho các cầu thủ Thái Lan tập luyện và thi đấu ở các CLB hàng đầu thế giới. Trong năm 2007, Teerasil Dangda cùng Suree Sukha và Kiatprawut Saiwaeo đã đến CLB Manchester City để tập luyện và thử việc.

Đến thời điểm hiện tại này, người Thái đã là cổ đông lớn nhiều CLB ở giải Anh và Ý như Leicester City, Everton, AC Milan, Reading, Sheffield Wednesday. Theo chiến lược của các doanh nhân này, việc đầu tư vào các CLB bóng đá nước ngoài còn là cách quảng bá hình ảnh đất nước Thái Lan. Đội tuyển quốc gia Thái Lan cũng được lợi từ việc tăng cường đầu tư cho các giải bóng đá nước ngoài. HLV Kiatisak Senamuang chia sẻ: “Đây là vấn đề win-win cho đất nước, nhất là cho cầu thủ trẻ Thái Lan. Các nhà đầu tư Thái Lan sẽ mang đến nhiều cơ hội cho cầu thủ trẻ tập luyện và trao dồi kinh nghiệm với các đội bóng quốc tế”.

3. Cải tổ Thai Premier League. Sau khi trúng cử FAT, ông Worawi Makudi đã phối hợp với các cộng sự của mình, nhất là ông Ong-art Kosinkar, cải tổ giải đấu bóng đá quốc gia trở nên chuyên nghiệp hơn. Kể từ mùa bóng 2009, các CLB bóng đá Thái Lan đã có sự đầu tư mạnh mẽ. Một số CLB xây dựng sân bóng đá riêng cho mình để phục vụ khán giả tốt hơn và kinh doanh thuận tiện hơn.

Ông Ong-art Kosinkar, người góp công lớn trong việc cải tổ TPL

Để đáp ứng được với xu thế phát triển của bóng đá hiện đại, hai chữ “chuyên nghiệp” và “kinh doanh” luôn được các CLB hướng đến. SCG Muangthong United, Buriram United, Chonburi FC, Bangkok Glass FC,… đều phát triển theo một số tiêu chí khác nhau nhưng đều đóng góp chung vào sự phát triển của bóng đá Thái Lan.

Xung đột lợi ích giữa đội tuyển quốc gia và các CLB cũng từng bước được tháo gỡ. Bản thân Kiatisuk phải đi “gõ cửa” từng CLB để thuyết phục họ nhả quân tập trung đội tuyển quốc gia. Đến thời điểm hiện tại, đội tuyển Thái Lan đều có tối thiểu 3 ngày để tập luyện cũng như thi đấu giao hữu mỗi tháng. Khu tập luyện Kirin Valley của CLB SCG Muangthong United là nơi tập luyện ưu thích của đội tuyển Thái trong các đợt tập huấn. Thậm chí, lần đầu tiên các CLB chấp thuận cho dời lịch thi đấu để đội tuyển Thái Lan có thời gian chuẩn bị cho trận gặp Iraq vào tháng 9 vừa rồi.

4. Phát triển các học viện bóng đá trẻ. Đi cùng với sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp, các học viện đào tạo của các CLB bóng đá Thái Lan được đầu tư nhiều hơn, bài bản và chuyên nghiệp hơn. Các học viện này còn liên kết với các trường trung học phát triển bóng đá học đường cũng như hỗ trợ việc học văn hóa của học viên. FAT cũng từng bước cải tổ và phát triển hệ thống thi đấu bóng đá trẻ quy mô hơn nhằm tạo thêm nhiều sân chơi cho lớp trẻ. Qua việc tham gia kinh doanh tại các CLB bóng đá nước ngoài, người Thái có thể hiểu rõ được cách thức vận hành bóng đá chuyên nghiệp cũng như tạo cơ hội tập luyện và thi đấu chuyên nghiệp cho thế hệ cầu thủ trẻ Thái Lan. Các ngôi sao Teerasil Dangda, Suree Sukha, Teeratep Winothai hiện nay là những “hạt mầm” hưởng lợi từ chính sách này. .

HLV Charnwit Polcheewin (bìa trái) dẫn các cầu thủ trẻ của Thái Lan sang thử việc tại CLB Manchester City.

5. Sự ủng hộ của cổ động viên. Con số 50.000 cổ động viên đến sân Rajamangala cổ vũ tuyển Thái Lan đấu với tuyển Đài Loan là kỷ lục hiện tại của bóng đá Thái Lan kể từ khi sân Rajamangala giảm sức chứa theo yêu cầu của FIFA.

Bằng sự khéo léo trong cách ăn nói của mình, HLV trưởng đội tuyển Thái Lan đã khiến cho người hâm mộ và truyền thông yêu thích và quan tâm đến đội tuyển nhiều hơn. Các cầu thủ cũng biết cách làm hài lòng người hâm mộ bằng kỹ chiến thuật thi đấu hiệu quả cũng như thời gian để giao lưu hơn. Đội tuyển Thái Lan đã tạo được sự yên tâm và niềm tin cho người dân Thái Lan. Bên cạnh đó, các cổ động viên cũng chịu khó đầu tư nhiệt huyết, thời gian cũng như chi phí dành cho việc ủng hộ đội tuyển nhiều hơn. Những sự ủng hộ này của cổ động viên luôn là sức mạnh to lớn cho đội tuyển mỗi khi thi đấu.

Đến thời điểm này, bóng đá Thái Lan đã có thể lấy lại phong độ như vào thời kỳ 1998- 2000 huy hoàng. Để đạt được những thành công này, người Thái đã phải mất rất nhiều thử nghiệm về chiến lược phát triển, nhân sự, tài chính trong hơn 10 năm. Thành công hiện tại xem như mốc son quan trọng trong sự phát triển 100 năm của bóng đá Thái Lan. Những gì bóng đá Thái Lan trải qua trong 15 năm gần đây cũng là một bài học kinh nghiệm quý báu không chỉ cho người Thái mà còn cho các nền bóng đá khác ở ASEAN.  

Nguồn SGGP