Bốn nước ASEAN trao đổi kinh nghiệm giám sát, quản lý đầu tư công

Ngày 13-3, tại Thủ đô Phnom Penh (Campuchia), đã khai mạc hội thảo giữa Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar về “Kinh nghiệm giám sát và quản lý đầu tư công”.

Tham dự hội thảo có các đại biểu từ các ủy ban Quốc hội, bộ, ngành liên quan của bốn nước, đại diện Ngân hàng Thế giới cùng nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính. Đoàn Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải dẫn đầu.


Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin chủ trì phiên khai mạc hội thảo.

Các đại biểu dự hội thảo vinh dự đón Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin đến dự và phát biểu khai mạc. Đại sứ Việt Nam Thạch Dư và đại diện Sứ quán các nước có đoàn tham gia, cùng dự hội thảo.

Chủ tịch Quốc hội Campuchia phát biểu khai mạc, cho rằng việc tổ chức hội thảo là điều kiện để Quốc hội các nước tham gia thảo luận, rút ra bài học kinh nghiệm trong các hoạt động chuyên môn, đặc biệt là công tác quản lý giám sát tài chính và ngân sách nhà nước, qua đó sẽ tìm ra kế hoạch chiến lược và cơ chế then chốt nhằm bảo đảm việc sử dụng ngân sách nhà nước và đầu tư công có hiệu quả, minh bạch và có trách nhiệm, thông qua việc nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội, cán bộ tranh tra và sự tham gia hưởng ứng của người dân.

Chủ tịch Samdech Heng Samrin nhấn mạnh, hội thảo cũng là cơ hội góp phần củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt giữa bốn nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, nhằm bảo đảm giữ gìn an ninh hòa bình và ổn định trong phạm vi quốc gia, khu vực và trên thế giới.

Theo chương trình làm việc, trong hai ngày hội thảo, diễn ra bốn phiên thảo luận với các chủ đề: Nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội đối với đầu tư công; Quản lý tốt là chìa khóa cho quản lý ngân sách và đầu tư công; Chia sẻ kinh nghiệm và bài học từ vai trò của kiểm toán nhà nước; Đánh giá kết quả hội thảo lần thứ 6 tại Đà Nẵng, Việt Nam và lập kế hoạch hợp tác trong tương tai.

Đoàn Việt Nam dự hội thảo.

Trong phiên thảo luận “Nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội đối với đầu tư công” diễn ra sáng 13-3, do trưởng đoàn Việt Nam chủ trì, mỗi đoàn đại biểu có báo cáo tham luận, trong đó nêu rõ thực tiễn hoạt động giám sát của Quốc hội mỗi nước, đi sâu vào phân tích các nguyên nhân khách quan, chủ quan của các mặt được, chưa được trong hoạt động giám sát đầu tư công, đề xuất nhiều giải pháp nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các khó khăn, vướng mắc từ cơ chế, chính sách đến tổ chức thực hiện việc giám sát và quản lý đầu tư công.

Tham luận của Đoàn Việt Nam với chủ đề “Nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội Việt Nam đối với đầu tư công” do ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội trình bày đã thu hút sự chú ý của các đại biểu.

Theo ông Nguyễn Hữu Toàn, hoạt động giám sát của Quốc hội Việt Nam đối với lĩnh vực đầu tư công đã được triển khai thông qua nhiều hình thức đa dạng như: giám sát chuyên đề, thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan hữu quan, tổ chức các phiên chất vấn, giải trình… Nội dung giám sát trong lĩnh vực đầu tư công tập trung vào những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong cử tri và dư luận xã hội như: Việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, việc phân bổ, sử dụng vốn ngân sách nhà nước, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu; giám sát về quản lý đầu tư các dự án xây dựng – vận hành – chuyển gia (BOT), xây dựng – chuyển giao (BT); giám sát về tình hình huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công; hiệu quả các dự án sử dụng vốn đầu tư công…

Ông Nguyễn Hữu Toàn nhấn mạnh, Ủy ban Tài chính – Ngân sách trình Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch tài chính 5 năm, Kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016-2020, trong đó quyết định một số chỉ tiêu chính như: tổng thu, tổng chi, bội chi, nợ công, chi đầu tư công theo từng nguồn vốn, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công trung hạn… Đây là bước đổi mới căn bản phương thức cân đối, phân bổ vốn đầu tư công, chuyển cân đối nguồn lực đầu tư công từ ngắn hạn hàng năm sang trung hạn 5 năm, bảo đảm tính chủ động cho các bộ, ngành, địa phương, khắc phục tính dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Đồng thời, tạo căn cứ pháp lý quan trọng để Quốc hội giám sát đối với quá trình phân bổ, sử dụng vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến công tác giám sát trong lĩnh vực đầu tư công, và nhận được giải đáp, trao đổi kinh nghiệm từ các thành viên trong đoàn các nước tham dự.

Nguồn Nhân dân