Biden sẽ mạnh tay hay nhân nhượng với Trung Quốc nếu đắc cử Tổng thống?

Nếu trở thành Tổng thống, ông Biden sẽ hành động cứng rắn giống như Tổng thống Trump hay sẽ nhượng bộ để đổi lấy thỏa thuận với Trung Quốc?

Khi còn là một thượng nghị sĩ và một Phó Tổng thống, ông Joe Biden cho rằng Mỹ có thể thuyết phục Trung Quốc hành động như một bên liên quan có trách nhiệm.

Tuy nhiên, khi trở thành ứng viên đảng Dân chủ tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020, ông Biden đã dùng những từ ngữ không hay khi nói về Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

bt_0

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP

Nếu như trước đây giới chức Washington đều nhất trí rằng, việc trao đổi và giao thương nhiều hơn với Bắc Kinh sẽ giúp giảm căng thẳng và đưa Trung Quốc vào trật tự thế giới tự do do Mỹ định hình thì giờ đây, quan điểm trên từ lưỡng đảng Mỹ đã thay đổi mạnh mẽ. Sự thay đổi lập trường của ông Biden đã phản ánh những dịch chuyển đó.

Trong nỗ lực chạy đua vào Nhà Trắng, ứng viên đảng Dân chủ Biden khẳng định sẽ đối phó với Bắc Kinh, đồng thời cáo buộc Tổng thống Trump bị Trung Quốc “chơi đùa”. Về phần mình, Tổng thống Trump khắc họa ông Biden là một người “mềm mỏng” với Trung Quốc và gọi cựu Phó Tổng thống Mỹ là một phần của chính quyền đã thất bại trong việc buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm.

Nếu giành chiến thắng vào tháng 11, ông Biden sẽ đối phó với Trung Quốc như thế nào? Liệu ông sẽ thúc đẩy các loại thuế quan và các biện pháp trừng phạt mà Tổng thống Trump theo đuổi hay ông sẽ nhượng bộ trong những vấn đề như thương mại và nhân quyền để đổi lấy một thỏa thuận về biến đổi khí hậu?

Biden quyết đoán hơn với Trung Quốc?

Ông Biden và chiến dịch tranh cử đã phác thảo những điểm chính trong chính sách của mình song vẫn chưa trình bày chi tiết liệu ông sẽ sẵn sàng tới đâu trong việc đối phó với Bắc Kinh về thương mại, nhân quyền, an ninh mạng và sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nhằm thể hiện một lập trường đối lập với Tổng thống Trump, ông Biden khẳng định ông sẽ khiến Bắc Kinh chịu trách nhiệm về các hành vi ở Tân Cương và Hong Kong. Ông Biden cũng khẳng định ông sẽ tập hợp các đồng minh của Mỹ trong một mặt trận thống nhất nhằm chống lại Trung Quốc, đồng thời đầu tư vào giáo dục và nghiên cứu công nghệ cao nhằm đưa nền kinh tế Mỹ trở nên cạnh tranh hơn.

Các cựu quan chức Mỹ và các nhà phân tích cho rằng, ở mức độ tối thiểu, ông Biden sẽ thực hiện nhiều biện pháp hơn và có lập trường nhất quán hơn so với Tổng thống Trump, người từng không ít lần khen ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Dù vậy, nhà bình luận Steven Clemons đánh giá, qua mối quan hệ với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Biden có thể sẽ “định nghĩa lại thái độ cá nhân với ông Tập Cận Bình”.

Theo các cựu quan chức Mỹ và các chuyên gia về Trung Quốc, về cơ bản, ông Biden và ông Trump không quá khác biệt trong lập trường với Trung Quốc, một phần là bởi những những động thái ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh trong khu vực cũng như trên thế giới.

Các loại thuế quan do Tổng thống Trump áp lên Trung Quốc, vốn bị ông Biden chỉ trích là làm tổn hại đến những người nông dân và nhà sản xuất Mỹ, có thể giúp ứng viên đảng Dân chủ có thêm lợi thế trong việc đàm phán các thỏa thuận với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, sự quyết đoán của Trung Quốc đã làm thay đổi quan điểm của các cử tri và các nghị sĩ Mỹ về nước này. Điều đó có thể hạn chế những lựa chọn của ông Biden khi ông định hình các chính sách với Trung Quốc. Trong các cuộc thảo luận về cuộc “Chiến tranh Lạnh” mới, cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều nói rằng Trung Quốc đang đánh cắp các bí mật thương mại của phương Tây, ngăn cản các công ty tiếp cận thị trường nước này, bắt nạt các nước láng giềng và tiến hành chiến dịch làm sai lệch thông tin trên toàn cầu.

“Giới quan sát đã thay đổi suy nghĩ về Trung Quốc. Điều đó có thể hạn chế các biện pháp của bất kỳ chính quyền nào bởi họ không muốn bị cáo buộc đã mềm mỏng với nước này”, James Lewis, nhà phân tích trong Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược nhận định.

Các quan chức an ninh quốc gia cũng công khai cảnh báo về các hành vi vi phạm an ninh mạng trong những năm gần đây của Trung Quốc, đồng thời cho rằng điều đó sẽ hạn chế bất kỳ động thái mềm mỏng nào của ông Biden với Bắc Kinh.

Giám đốc FBI Christopher Wray tháng trước đã gọi hành vi gián điệp mạng của Trung Quốc là “mối đe dọa dài hạn lớn nhất với hệ thống thông tin và tài sản trí tuệ cũng như sức mạnh nền kinh tế của chúng ta… Đây là mối đe dọa với an ninh kinh tế của chúng ta và rộng ra là an ninh quốc gia của chúng ta”.

Thách thức của “chính quyền Biden”

Theo các chuyên gia, nếu ông Biden trở thành Tổng thống, việc xây dựng lại các liên minh ở châu Á sẽ là bước đi đầu tiên song ứng viên đảng Dân chủ này sẽ đối mặt với hàng loạt quyết định khó khăn về Trung Quốc trong ngày đầu tiên nhậm chức. Các cựu quan chức Mỹ cũng đánh giá, ông Biden sẽ phải quyết định cần vạch ra giới hạn với Bắc Kinh ở đâu và sẽ chấp nhận rủi ro ở mức độ nào.

“Một trong những thách thức cốt lõi là chính quyền Biden là phải quyết định mức độ chịu đựng rủi ro và những rạn nứt trong quan hệ với Bắc Kinh. Điều đó sẽ nói với Trung Quốc điều gì đó về giải pháp của ông Biden. Việc này cũng sẽ gửi những tín hiệu với các đồng minh của Washington”, một cựu quan chức cấp cao phụ trách về chính sách với Trung Quốc từng làm việc dưới thời chính quyền Tổng thống Obama nhận định.

Chiến dịch của Tổng thống Trump đã phác họa ứng viên đảng Dân chủ là một người “ngây thơ” trong chính sách với Bắc Kinh.

Ken Farnaso, Phó Thư ký Báo chí quốc gia chiến dịch của Tổng thống Trump nhận định: “Tổng thống Trump là Tổng thống đầu tiên sẵn sàng đối phó với Trung Quốc và khiến họ phải chịu trách nhiệm về những hành động bất chính của mình trong khi ông Biden lại dành toàn bộ sự nghiệp của ông ấy để nhân nhượng Bắc Kinh và gia tăng sự phụ thuộc của Mỹ vào quốc gia này”.

“Với quan điểm đối lập sâu sắc, Tổng thống Trump đã đương đầu với sự hung hăng của Trung Quốc trên trường quốc tế ngay lập tức, tạm dừng đi lại từ quốc gia này vào thời kỳ đầu đại dịch Covid-19, tiến hành thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 và kiểm soát chặt chẽ hành vi gián điệp không công bằng của Bắc Kinh”.

Chiến dịch của ông Biden và nhiều nhà phân tích chính sách đối ngoại độc lập thì cho rằng các biện pháp thế quan với Trung Quốc của ông Trump đã gây phản tác dụng với những người nông dân Mỹ và thỏa thuận giai đoạn 1 đã đạt được rất ít tiến triển.

Derek Scissors, một nhà nghiên cứu tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, đồng thời là người có lập trường cứng rắn với Trung Quốc cho rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 không có triển vọng thành công bởi đến nay, Trung Quốc vẫn chưa thực hiện đầy đủ cam kết mua hàng hóa và dịch vụ Mỹ, cũng như các vấn đề quan trọng mang tính cấu trúc, trong đó việc tiếp cận thị trường Trung Quốc và đánh cắp tài sản trí tuệ vẫn chưa được giải quyết.

Vẫn để ngỏ cánh cửa hợp tác với Bắc Kinh

Nhà phân tích Scissors cho biết, những bình luận của ông Biden về Trung Quốc những năm qua có phần “ngây thơ” nhưng ông cho rằng cựu Phó Tổng thống Mỹ sẽ không quay lại chính sách cách đây 10 năm bởi đã có sự thay đổi mạnh mẽ về quan điểm đối với nước này.

“Thế giới đã thay đổi. Quốc hội đã thay đổi”, chuyên gia này nhận định song cũng cho rằng, việc ông Biden thực hiện các bước đi cụ thể nếu đắc cử vẫn là một câu hỏi mở.

“Tôi nghĩ ông Biden sẽ cứng rắn hơn tương tự như ông Trump nhưng theo tôi, kế hoạch của ông ấy sẽ nhất quán và có tính chiến lược hơn”, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Brookings từng làm cố vấn dưới thời Tổng thống Bill Clinton – Kenneth Lieberthal đánh giá.

Tháng trước, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Ullyot cho biết, Trung Quốc muốn Tổng thống Trump không đắc cử bởi Bắc Kinh coi nhà lãnh đạo này rất khó đoán.

Dù vậy, các cuộc khảo sát đã cho thấy Tổng thống Trump không thể biến chiến lược chỉ trích Bắc Kinh trở thành lợi thế chính trị của mình. 3 trong số 4 cuộc khảo sát tiến hành vào tháng 5 và tháng 6 cho thấy ông Biden dẫn trước Tổng thống Trump khi các cử tri được hỏi ai là người xử lý mối quan hệ với Trung Quốc hiệu quả hơn.

Tổng thống Trump đã thực hiện những bước đi chưa từng có tiền lệ nhằm đối phó với Trung Quốc từ áp thuế quan, ngăn cản Huawei thâm nhập thị trường phương Tây, áp một loạt lệnh trừng phạt liên quan đến nước này và đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston với cáo buộc hoạt động gián điệp. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa thay đổi các chính sách thương mại, ngày càng quyết đoán ở Biển Đông và thúc đẩy luật an ninh quốc gia ở Hong Kong.

Từ khi bước vào Thượng viện những năm 1970, ông Biden đã luôn được biết đến là một người thực tế, thận trọng với những học thuyết cứng rắn và sẵn sàng mềm dẻo khi cần thiết. Không giống như một số người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong và ngoài chính quyền Tổng thống Trump, ông Biden không ví sự cạnh tranh với Bắc Kinh như cuộc Chiến tranh Lạnh với Liên Xô.

Vì thế, thậm chí cả khi ông Biden tuyên bố đối phó với Trung Quốc, ông vẫn có thể để ngỏ cơ hội hợp tác với Bắc Kinh trong những vấn đề quan trọng mà 2 nước có điểm chung như biến đổi khí hậu, chống khủng bố, kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên và Iran.

Nguồn vov.vn