Bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và bệnh đường hô hấp tăng cao

Trên 1.920 trường  hợp mắc bệnh sốt xuất huyết

(THTG) Theo số liệu của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Tiền Giang, đến trung tuần tháng 8, toàn tỉnh Tiền Giang trên 1.920 cas sốt xuất huyết, tăng trên 45% so cùng kỳ năm 2016, có 2 trường hợp tử vong. Trong đó, các huyện có số cas mắc sốt xuất huyết cao là huyện Cái Bè, Mỹ Tho, Cai Lậy và Gò Công Đông.

1

Ảnh: Phi Phụng

Hiện ngành y tế Tiền Giang tiếp tục triển khai công tác phòng chống sốt xuất huyết, huy động cộng đồng tổ chức và duy trì các chiến dịch diệt lăng quăng trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời xử lý các ổ dịch tại các địa bàn có nguy cơ theo chỉ định dịch tễ. Ngoài ra, Trung tâm y tế dự phòng còn đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát, đặc biệt là các xã có số ca mắc cao, nguy cơ bùng phát dịch.

Bênh tay chân miệng trên 1.350 cas

Bên cạnh bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng cũng đang có chiều hướng gia tăng, với trên 1.350 cas mắc, tăng trên 125% so với cùng kỳ năm 2016 và dự báo có thể gia tăng với đỉnh bệnh thứ 2 từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2017.

2

Ảnh: Phi Phụng

Đến nay, ngành y tế Tiền Giang đã phối hợp với ngành giáo dục – đào tạo và các ban, ngành, đoàn thể thực hiện hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh tay chân miệng của Bộ y tế và triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh tay chân miệng trong các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và tại hộ gia đình.

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, ngành y tế khuyến cáo mọi gia đình thực hiện đúng vệ sinh cá nhân. Thường xuyên vệ sinh môi trường sống phòng bệnh cho trẻ. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.

Bệnh đường hô hấp tăng

Cùng với các bệnh nhiễm khác, số trẻ khám và nhập viện điều trị bệnh về hô hấp thời điểm này tại khoa Nhi của bệnh viện đa khoa trung tâm Tiền Giang đang gia tăng, trung bình mỗi ngày có khoảng 30 trẻ nhập viện do viêm phế quản, ho, viêm mũi – họng cấp, viêm phổi do biến chứng.

2

Ảnh: Phi Phụng

Trong đa số các trường hợp, các triệu chứng của viêm đường hô hấp thường tự giới hạn trong 1-2 tuần. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc, theo dõi và điều trị kịp thời, trẻ có thể bị chảy mủ tai, viêm tai giữa, hay có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, nghẽn tắc đường thở, nhiễm trùng huyết.

Để phòng các bệnh về đường hô hấp cho trẻ các bác sĩ khuyến cáo trẻ cần giữ gìn vệ sinh cá nhân. Giữ ấm đúng cách vào buổi sáng và tối. Khi thấy trẻ có biểu hiện sốt, ho, sổ mũi, thở nhanh, lừ đừ cần đưa đến cơ sở y tế tránh tình trạng tự cho trẻ uống thuốc dẫn đến bệnh diễn biến nguy hiểm hơn.

Thanh Xuân