Bất ngờ ẩn ý sau chiến lược ngoại giao mới của Nga

Moscow dường như được hình thành xu hướng riêng của mình trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng Afghanistan và Syria.

Bình luận về vòng đàm phán thứ ba của các cuộc họp ba bên giữa Nga, Trung Quốc và Pakistan về tình hình đang xấu đi ở Afghanistan, vừa được tổ chức tại Moscow ngày 27/12, chuyên gia người Nga về Trung Á Azhdar Kurtov gọi đây là một xu hướng mới đang được thiết lập bởi Moscow để đối phó với khủng hoảng Afghanistan.

Nga, Trung Quốc và Pakistan ngày 27/12 đã cảnh báo rằng ảnh hưởng của Nhà nước Hồi giáo (IS / ISIL / Daesh) đang gia tăng ở Afghanistan và rằng tình hình an ninh tại đây đang xấu đi.

Trong khi đó, Mỹ, với gần 10.000 quân ở Afghanistan sau hơn 15 năm nhóm Taliban bị các lực lượng Afghanistan do nước này hậu thuẫn lật đổ, không được mời đến các cuộc đàm phán Moscow.

“Ba quốc gia bày tỏ sự quan ngại đặc biệt về hoạt động gia tăng của các nhóm cực đoan bao gồm cả chi nhánh của IS ở Afghanistan,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với các phóng viên sau cuộc họp.

Trước đó vào tháng 12, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã hội đàm ba bên tại Moscow về việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, trong khi Mỹ cũng không được mời.

Bất ngờ ẩn ý sau chiến lược ngoại giao mới của Nga - ảnh 1Bộ trưởng ngoại giao Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc họp báo chung  ngày 20/12 tại Moscow. (Nguồn: AFP)

Bình luận về các cuộc họp nói trên, chuyên gia Azhdar Kurtov chia sẻ với Sputnik rằng Moscow dường như được hình thành xu hướng riêng của mình trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng Afghanistan và Syria. Các sáng kiến này có thể làm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực trên trường quốc tế, ông nhận định.

Tuy nhiên, ông Kurtov nói thêm rằng không nên loại trừ những diễn biến này là sự tiếp nối tự nhiên của những thay đổi đang diễn ra trong chính sách đối ngoại của Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống thứ 45.

Ông Donald Trump đã công khai lên án các chính sách của chính quyền Obama cả ở Trung Đông và Afghanistan. “Moscow không thể tác động nhưng có thể tận dụng cơ hội này để bắt đầu thay đổi công thức đàm phán hiện nay và cố định hướng các cuộc đàm phán ngoại giao ở trạng thái “khóa chết” – khi tiến trình thương lượng bị dừng lại trong một thời gian dài,” ông nói với Sputnik.

Nguồn Tổ quốc